image banner
Tiếp tục phát huy công tác xã hội hóa góp phần nâng cao hiệu quả “học tập cộng đồng” tại các trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã, phường trên địa bàn thành phố Tân An hiện nay

TIẾP TỤC PHÁT HUY CÔNG TÁC XÃ HỘI HÓA GÓP PHẦN NÂNG CAO
HIỆU QUẢ “HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG” TẠI CÁC TRUNG TÂM VĂN HÓA
- THỂ THAO VÀ HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG XÃ, PHƯỜNG
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TÂN AN HIỆN NAY

    Theo khoản 1, Điều 3, Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng sau đây gọi chung là Trung tâm, ban hành kèm theo Quyết định số 03/2012/QĐ-UBND ngày 06/02/2012 của UBND tỉnh Long An quy định: “Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng cấp xã là đơn vị sự nghiệp thuộc hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở của tỉnh, là cơ sở giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân, là trung tâm học tập tự chủ của cộng đồng cấp xã, có sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước; được ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, và đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cùng với xã hội hóa hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, rèn luyện thể chất và nhu cầu học tập cho người dân, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn”. Việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa giúp các Trung tâm có đủ nguồn lực tài chính tổ chức cho người dân học tập, tiếp thu khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu học tập, sáng tạo của người dân, tạo điều kiện để người dân tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

    Thành phố Tân An có 14 đơn vị hành chính cấp xã gồm 09 phường, 05 xã với 13 Trung tâm. Phường 1 và phường 3 có 01 Trung tâm dùng chung. Hàng năm, để mở các lớp học, các Trung tâm cần nguồn kinh phí lớn. Tuy nhiên hiện nay, ngân sách nhà nước cấp còn hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động của các Trung tâm. Cụ thể:

 

Năm

Tổng kinh phí hoạt động (đồng)

Kinh phí ngân sách nhà nước cấp (đồng)

2021

1.883.990.000

742.571.000

2022

2.523.252.000

757.056.000

2023

1.729.428.000

728.467.000

(Nguồn: Báo cáo của Hội Khuyến học thành phố Tân An qua kiểm tra 13 Trung tâm các năm 2021, 2022, 2023)

    Như vậy, bình quân mỗi Trung tâm chỉ được cấp hơn 50 triệu/01 năm để hoạt động (năm 2021 là 57,12 triệu; năm 2022 là 58,235 triệu; năm 2023 là 56 triệu). Trong đó, chi trả phụ cấp cho Bộ máy quản lý Trung tâm là 22,2 triệu đồng/01 năm (theo quy định tại Nghị quyết số 79/2012/NQ-HĐND ngày 7/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Long An về phụ cấp kiêm nhiệm đối với Giám đốc, Phó Giám đốc, thủ quỹ, kế toán của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng được chi trả đầy đủ: Giám đốc: 400.000 đồng/tháng. Phó Giám đốc: 350.000 đồng/tháng. Kế toán, thủ quỹ: 200.000 đồng/tháng) Kinh phí hoạt động thực chất còn lại chỉ khoảng hơn 30 triệu/01 năm. Từ số liệu thống kê trên cho thấy nếu chỉ dựa vào nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp, các Trung tâm sẽ không đủ kinh phí để đảm bảo các hoạt động cho cả năm. Do đó, bắt buộc phải tiến hành xã hội hóa để bù vào phần kinh phí thiếu hụt.

    Những năm qua, Thành phố Tân An đã giao các chỉ tiêu trong các Nghị quyết của Thành ủy về công tác xã hội hóa để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các Trung tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng ban hành hướng dẫn hoạt động cho các Trung tâm xã, phường và các Trung tâm đã phát huy được chức năng của mình. Vấn đề xã hội hóa cho hoạt động của Trung tâm nhìn chung đạt một số kết quả như sau:

    Tổng kinh phí xã hội hóa cơ bản đảm bảo hoạt động của các Trung tâm[1]

Năm

Tổng kinh phí hoạt động (đồng)

Kinh phí xã hội hóa (đồng)

2021

1.883.990.000

1.141.419.000

2022

2.523.252.000

1.766.196.000

2023

1.729.428.000

1.000.961.000

    Giai đoạn 2021-2023, các Trung tâm đã mở được 55 lớp học ngắn hạn (dưới 3 tháng) với 1.714 người học[2]. Sau khi tốt nghiệp, người học được cấp chứng chỉ, có tay nghề và có thể làm thuê cho các cửa hàng, nhà máy, xí nghiệp hay tự kinh doanh nhỏ để nuôi sống bản thân và gia đình. Các khóa học ngắn hạn thường gắn với thực tế ứng dụng, mang tính chuyên sâu, thực hành nhiều hơn lý thuyết, giúp người học tiết kiệm được thời gian và chi phí học tập. Chương trình học được giáo viên cập nhật thị trường thường xuyên, lớp học ít người nên giáo viên theo sát người học, người học có thể trao đổi, thảo luận và được giáo viên giải đáp thắc mắc trực tiếp, giúp trình độ, tay nghề của người học được nâng cao.

    Tuy nhiên, công tác xã hội hóa hiện cũng gặp không ít khó khăn: Ban Giám đốc và các thành viên khác của Trung tâm (kế toán, thủ quỹ) đều là kiêm nhiệm nên chưa tập trung nhiều đến hoạt động xã hội hóa của Trung tâm; công tác tổ chức, chỉ đạo, phối hợp giữa các ban ngành có liên quan ở vài đơn vị chưa chặt chẽ, thống nhất. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về vị trí, vai trò, chức năng, tầm quan trọng, hiệu quả mà các hoạt động của Trung tâm đem lại chưa sâu rộng.

    Hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của Trung tâm chưa có quy định rõ ràng về công tác xã hội hóa của các Trung tâm. Ví dụ: người dân ở phường 1, phường 2, phường 3 có nhu cầu thuê Trung tâm để tổ chức tiệc cưới, sinh nhật…nhưng quy chế pháp lý không có, không rõ ràng nên Ban Giám đốc Trung tâm không cho thuê.Việc tham mưu bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất, quản lý và sử dụng thiết bị, tài liệu, học liệu,… ở các Trung tâm chưa thường xuyên và công tác quản lý có đôi lúc chưa chặt chẽ.

    Nguồn kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của Trung tâm còn ít; việc huy động các nguồn lực từ xã hội về vật lực và tài lực còn hạn chế (nguồn xã hội hóa có hạn).  Chủ yếu dựa vào dựa vào phát huy mối quan hệ gắn bó giữa lãnh đạo Trung tâm, lãnh đạo xã, phường với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn xã, phường, vai trò của công chức chuyên môn, nhân viên Trung tâm, người hoạt động không chuyên trách của xã, phường trong huy động nguồn lực cho xã hội hóa còn mờ nhạt. Mặt khác hiện nay ngoài Trung tâm thì UBND, tổ chức chính trị - xã hội các xã, phường cũng phải thực hiện xã hội hóa trên nhiều hoạt động khác nhau nên phần nào ảnh hưởng đến công tác xã hội hóa của Trung tâm.

    Thời gian tới để khắc phục khó khăn, phát huy tốt công tác xã hội hóa  góp phần nâng cao hiệu quả “Học tập cộng đồng” tại các Trung tâm xã, phường trên địa bàn thành phố Tân An, cần tập trung vào:

    Thứ nhất, UBND xã, phường phân bổ kinh phí hoạt động cho các Trung tâm nhiều hơn để phù hợp thực tế hoạt động hiện nay. Việc phân bổ nguồn lực nhiều hơn sẽ giúp các Trung tâm chủ động hơn trong các hoạt động, tránh gây áp lực cho Trung tâm vì phải xã hội hóa kinh phí quá lớn. Tiếp tục đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh hoàn thiện thể chế quản lý Trung tâm, trong đó có các quy định về xã hội hóa để Ban Giám đốc mạnh dạn thực hiện các hoạt động xã hội hóa gắn với đặc thù của Trung tâm (cho thuê, liên doanh, liên kết …để khai thác sân bãi, hội trường) phục vụ nhu cầu thực tế của người dân.

    Thứ hai, Ban Giám đốc Trung tâm cần xây dựng quy chế phối hợp, liên kết giữa Trung tâm với các ban, ngành, đoàn thể trong việc huy động nhân lực, nguồn lực xã hội hóa để phục vụ các hoạt động của Trung tâm sao cho hợp lý, ổn định và lâu dài.

    Thứ ba, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm người dân đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, tạo ra phong trào mọi người tự giác học tập. Phát triển Trung tâm không phải là việc riêng của Ban Giám đốc. Trung tâm được lập ra là để phục vụ cho người dân. Do đó, người dân cũng có một phần trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và đóng góp cho Trung tâm.

    Thứ tư, Hội khuyến học các xã, phường cần đa dạng hóa các hình thức xây dựng Qũy khuyến học của địa phương (phong trào Nuôi heo đất, tài trợ của các doanh nghiệp,..), sử dụng Qũy khuyến học hiệu quả, thiết thực. Tham mưu với UBND xã, phường có cơ chế khuyến khích các nhà giáo, các doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm trên các lĩnh vực tham gia vào hoạt động của Trung tâm.

    Thứ năm, Tiếp tục thực hiện đúng quy định theo Hướng dẫn liên tịch số 322/HD-SGDĐT-SVHTTDL ngày 27/2/2014 giữa Sở giáo dục và Đào tạo và Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch về đánh giá Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã, phường trên địa bàn tỉnh Long An. Kịp thời khen thưởng, có thư cảm ơn các tổ chức, cá nhân có đóng góp cho Trung tâm.

    Tóm lại, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho Trung tâm hàng năm còn hạn chế, mà nhu cầu học tập của cộng đồng thì lớn, do đó cần phải thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp xã hội hóa để Trung tâm hoạt động có hiệu quả ./.

ThS Mai Đăng Hải
Khoa NN&PL

 

 

 



1,2 Nguồn: Báo cáo của Hội Khuyến học thành phố Tân An qua kiểm tra 13 Trung tâm các năm 2021, 2022, 2023

 

[2]

image advertisement
THÔNG TIN ĐÀO TẠO
Thư viện ảnh
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1