image banner
Giải pháp nâng cao hiệu quả xây dưng dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Long An hiện nay

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÂY DƯNG DỰNG GIA ĐÌNH
VĂN HÓA Ở TỈNH LONG AN HIỆN NAY

    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng gia đình văn hóa, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải rất quan tâm đến gia đình, xác định mối quan hệ đúng đắn giữa tình nhà và nghĩa nước. Việc xây dựng gia đình văn hóa là một trong những vấn đề quan trọng của sự nghiệp cách mạng XHCN. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính ví muốn xây dựng CNXH mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”.

    Hiện nay, vấn đề gia đình đang được Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hết sức quan tâm. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh mục tiêu: “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người”. Đại hội IX tiếp tục khẳng định: “Nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hoá, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”.  Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng, chỉ rõ: “Giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”, “Thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”.

    Trong thời gian qua, cả nước đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước nói chung và tỉnh Long An nói riêng đã và đang đẩy mạnh CNH, HĐH theo hướng hiện đại, phấn đấu đến 2030 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại. Tỉnh Long An cũng tích cực đẩy mạnh CNH, HĐH, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Ngày 08/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An ban hành Chương trình số 10-CTr/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Long An. Kế hoạch số 4249/KH-UBND ngày 27/12/2021 của UBND tỉnh về  triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 08/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Long An. Quyết định số 2174/QĐ-UBND ngày 15/3/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Long An. Kế hoạch số 828/KH-UBND, ngày 18/3/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2025. Kế hoạch số 830/KH-UBND, ngày 18/3/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Long An. Kế hoạch số 1144/KH-UBND, ngày 14/4/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025. Có thể thấy, đây là những văn bản quan trọng để chỉ đạo, thực hiện các nội dung liên quan đến xây dựng gia đình văn hóa hiện nay,

    Đến nay toàn tỉnh có 400.975/411.360 hộ được công nhận gia đình văn hóa (đạt 97,48%), có thể thấy, việc xây dựng gia đình văn hóa được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhất là công tác tuyên truyền, cụ thể:

    Năm 2021, xây dựng 02 pa nô tuyên truyền về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại Thủ Thừa và Thạnh Hóa; Biên soạn, in ấn 40.000 tờ bướm tuyên truyền bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và cấp phát cho 15 huyện, thị xã, thành phố; Đầu tư sản xuất và lắp đặt 120 bảng tuyên truyền công tác gia đình tại 60 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng năm 2021.

    Năm 2022, xây dựng 03 bảng tranh tuyên truyền trực quan về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại 03 xã: Bình Lãng (huyện Tân Trụ), Mỹ Thạnh Tây (Đức Huệ) và Tân Lập (Mộc Hóa) từ nguồn xã hội hóa.

    Năm 2023, tổ chức đi học tập kinh nghiệm và trao đổi chuyên môn nghiệp vụ về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa và gia đình tại tỉnh Trà Vinh, ngoài ra, các huyện, thị xã thành phố đã xây dựng hơn 150 câu chuyện truyền thanh về xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng hơn 380 pano tuyên truyền các loại về gia đình văn hóa.

    Để xây dựng gia đình văn hóa trên phạm vi toàn tỉnh hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức triển khai các mô hình về Phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể: Toàn tỉnh có 188/188 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, 852 Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình (4.494 thành viên), 790 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững (10.636 thành viên), 901 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Những nội dung trên, góp phần rất lớn xây dựng các nội dung gia đình văn hóa hiện nay. Thông qua các hình thức tuyên truyền được sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần làm chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân; nâng cao trách nhiệm công tác PCBLGĐ của chính quyền, ban ngành, đoàn thể ở địa phương, cơ sở, từ đó góp phần làm giảm số vụ bạo lực gia đình hàng năm (năm 2021 có 34 vụ; năm 2022 có 20 vụ; năm 2023 có 03 vụ). Có thể thấy, việc xây dựng gia đình văn hóa tại các địa phương, cơ sở hiện nay góp phần tích cực quan trong trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế gia đình, giúp xóa đói giảm nghèo, văn hóa ứng xử giữa các thành viên gia đình nước nâng lên, giữ gìn truyên thống đạo đức gia đình được lưu giữ tốt đẹp, tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm nâng lên, các hộ gia đình luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của đảng, pháp luật của nhà nước, cùng nhau phát triển kinh tế, giữ gì vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: một số ít gia đình chỉ lo phát triển kinh tế, chưa giành nhiều thời gian chăm sóc và giáo dục con cái; nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thuỷ chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp; nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ; tình trạng ly hôn, ly thân giữa các cặp vợ chồng gia tăng, bạo lực gia đình,… cùng với đó một số tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, ma túy,… cũng gia tăng, làm ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng gia đình văn hóa của tỉnh.

    Để công tác xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh Long An thời gian tới có hiệu quả hơn, xin đề xuất một số giải pháp như sau:

    Thứ nhất, tăng cường tuyền truyền về nhận thức của các cấp ủy về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Long An theo Chỉ thị số 10-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thực hiện Quyết định số 2174/QĐ-UBND ngày 15/3/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Long An; Nghị đị số 86/2023/NĐ-CP, ngày 07/12/2023 của Chính phủ quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” và các văn bản liên quan về xây dựng gia đình văn hóa hiện nay.

    Thứ hai, triển khai có hiệu quả các văn bản hướng dẫn để thực hiện danh hiệu “Gia đình văn hóa”, hiện nay danh hiệu “Gia đình văn hóa” đã được đưa vào Luật Thi đua - Khen thưởng sửa đổi, bổ sung năm 2022 và Chính phủ đã bàn hành Nghị định số 86/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn, tổ dân phố văn hóa”; “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”.

    Trong đó quy định các tiêu chí xây dựng Gia đình văn hóa gồm 03 nội dung cụ thể: (1) Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước (Các thành viên trong gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật; Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo quy định; Bảo đảm thực hiện an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy; Bảo đảm các quy định về chế độ ồn, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng theo quy định của pháp luật về môi trường). (2) Tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương (Tham gia các hoạt động nhằm bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên và môi trường của địa phương; Tham gia các phong trào từ thiện, nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học khuyến tài và xây dựng gia đình học tập; Tham gia sinh hoạt cộng đồng; Tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội do địa phương tổ chức;Người trong độ tuổi có khả năng lao động tích cực làm việc và có thu nhập chính đáng; Trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường). (3) Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng (Thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Thực hiện tốt chính sách dân số, hôn nhân và gia đình; Thực hiện tốt các mục tiêu về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình/bạo lực trên cơ sở giới; Hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước/các loại hình tương tự hợp vệ sinh; Tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng khi khó khăn, hoạn nạn).

    Thứ ba, tăng cường tuyên truyền về “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các hộ gia đình đăng ký Bộ tiêu chí triển khai thực hiện là điều kiện bắt buộc để xét tặng danh hiệu. Tăng cường giáo dục cho các thế hệ trong gia đình cần phải kế thừa, giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam.

    Thứ tư, giáo dục ý thức tôn trọng và chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây đang là vấn đề bức xúc của xã hội. Hệ thống pháp luật của chúng ta đã không ngừng được củng cố và hoàn thiện. Song, ý thức chấp hành của một bộ phận lớn trong dân cư chưa tốt. Nhiều thành viên gia đình chưa hiểu biết nhiều về luật, hoặc “mù luật", nên hiện tượng vi phạm pháp luật còn phổ biến. Việc bố trí học tập, tìm hiểu và thi hành pháp luật trong nhà trường và các tổ chức xã hội chưa nhiều. Do vậy, đòi hỏi các ban, ngành đoàn thể địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các hộ gia đình thông qua nhiều hình thức khác nhau: Hội nghị, hội thi, hội diễn, nói chuyện chuyên đề, các kênh tuyên truyền của hệ thống loa, Đài, Trạm truyền thanh… nhằm nâng cao ý thức của các thành viên trong gia đình góp phần xây dựng gia đình văn hóa tại địa phương.

    Thứ năm, cần nghiên cứu lồng ghép các bài giảng về giá trị truyền thống của gia đình vào nhà trường như chương trình môn học giáo dục công dân, học ngoại khóa; các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống; học kỹ năng sống nhằm giáo dục truyền thống văn hóa gia đình Việt tới người học ở mọi cấp học, ngành học; đẩy mạnh hơn nữa các phong trào hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa,… nhằm tạo môi trường thuận lợi để các em tự hấp thụ, tự hiểu và tự nguyện tham gia từ đó đi đến ham thích các hoạt động tìm hiểu các giá trị truyền thống của gia đình. Đặc biệt là nơi có nhiều gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống về các vấn đề dân số và phát triển, về giới tính và về giới, về chức năng của gia đình với tư cách là “hạt nhân” của cộng đồng xã hội. Các công việc này trước đây tuy đã được đề cập và tiến hành nhưng chưa rộng khắp, mới chỉ dừng lại ở một số xã, phường và còn mang tính hình thức.

    Thứ sáu, phải có một chiến lược xây dựng và phát triển các khu vui chơi giải trí lành mạnh, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, quản lý các sản phẩm văn hóa; tăng cường các phong trào nêu gương người tốt, việc tốt, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của phong trào xây dựng gia đình văn hóa; có chính sách hợp lý hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, giáo dục nâng cao dân trí. Có như thế chúng ta mới giữ gìn và phát huy được những giá trị truyền thống trong việc xây dựng gia đình văn hóa hiện nay vừa mang đậm những giá trị của gia đình truyền thống vừa phát huy được những điểm tích cực của kiểu gia đình hiện đại, có như thế gia đình mới thực sự là “thành trì” bảo vệ con người trước những tấn công của những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội.

    Thứ bảy, công tác xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa” tại địa phương cần công khai, dân chủ tránh chạy thành tích, đảm bảo khách quan, chính xác, cần bố trí kinh phí kịp thời để động viên khen thưỏng các hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” nhân rộng các mô hình “Gương người tốt việc tốt”, “Gia đình dạy con ngoan”, “Gia đình hiếu học”, “Gia đình thành đạt”, các hộ gia đình có đóng góp tích cực vào các phong trào của địa phương.

    Tóm lại, trong bối cảnh đổi mới đất nước hiện nay, vấn đề xây dựng gia đình văn hóa ở Long An càng cần được quan tâm. Trong những năm qua, Long An đạt được những thành tựu nổi bật trong xây dựng gia đình văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình ngày càng được nâng cao. Trong gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên ngày càng dân chủ, bình đẳng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau; gia đình có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị truyền thống; chăm lo phát triển kinh tế gia đình, nuôi dưỡng giáo dục con cái; tổ chức các hoạt động kinh tế và văn hóa nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì Long An cũng còn một số hạn chế trong công tác xây dựng gia đình văn hóa. Do đó, để thực hiện tốt công tác xây dựng gia đình văn hóa trong thời gian tới, Long An cần chú ý giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra theo lộ trình nhất định, xác định rõ nguyên nhân gây ra hạn chế để khắc phục cũng như tiếp tục phát huy nhựng thành tựu đạt được./.

ThS. Nguyễn Tấn Phước
Khoa Lý luận cơ sở

image advertisement
THÔNG TIN ĐÀO TẠO
Thư viện ảnh
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1