Kết hợp những giá trị truyền thống và hiện đại – một trong những giải pháp cơ bản để xây dựng gia đình văn hóa ở Long An
KẾT HỢP NHỮNG GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI –
MỘT TRONG NHỮNG GIẢI PHÁP CƠ BẢN ĐỂ XÂY DỰNG
GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở LONG AN
Công nghiệp hóa, đô thị hóa, nền kinh tế thị trường cùng với chính sách mở cửa giao lưu kinh tế, văn hóa ngày càng mở rộng không chỉ trong phạm vi cả nước mà cả với nước ngoài. Bên cạnh những tác động tích cực, còn có những tác động tiêu cực lên mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có việc xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng, sự tác động đó đã gây nên hai khuynh hướng trong xây dựng gia đình.
Khuynh hướng “phục cổ” tồn tại phổ biến trong những gia đình truyền thống Việt Nam với những đặc điểm là con người sống theo hộ, theo quan niệm phụ thuộc trên dưới, cha con, anh em, vợ chồng, gia đình gắn bó với họ hàng. Gia đình là một đơn vị kinh tế tự cấp tự túc, đóng góp cho xã hội và cũng dựa vào xã hội để sống với nhau dựa theo tinh thần “là lành đùm là rách” lúc gặp khó khăn. Cách tổ chức gia đình và xã hội này rõ ràng có những điểm phù hợp với xã hội tiểu nông cổ truyền ở nước ta trước cách mạng. Nhưng cách tổ chức đó không còn phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay, nó gắn cá thể với cộng đồng, không thể làm động lực kích thích sự phát triển tài năng, nhân cách cá nhân, thiếu tự do, bình đẳng.
Khuynh hướng “canh tân” có phần cực đoan thái quá được thế hệ trẻ cổ vũ. Họ đề cao tự do cá nhân, nới lỏng quan hệ tình dục, đề cao sự bình đẳng, dân chủ, mong muốn thoát khỏi sự ràng buộc của gia đình, lo làm giàu cho cá nhân, khát vọng thoát khỏi sự nghèo đói của thế hệ cha ông, vì thế họ ít quan tâm đến cha mẹ già, con cái, xa lánh quan hệ họ hàng. Sống với nền kinh tế thị trường, tiếp xúc với lối sống phương Tây qua sách báo, phương tiện thông tin đại chúng, họ đề cao và hướng tới lối sống gia đình của xã hội phương Tây, và coi đó là “mẫu hình” của gia đình hiện đại.
Cả hai khuynh hướng biến đổi của gia đình như trên đều không phù hợp với hoàn cảnh nước ta nói chung và tỉnh Long An hiện nay, bởi vậy cần xem xét tính biện chứng giữa những giá trị truyền thống và hiện đại để nhìn nhận lại một cách khách quan những giá trị vốn có của gia đình truyền thống. Tồn tại hàng thế kỷ trong lịch sử, gia đình truyền thống Việt Nam vừa chứa đựng những giá trị nhân bản, vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính phổ biến nhân loại. Đó là việc xây dựng các mối quan hệ gia đình theo tôn ti, trật tự, nề nếp, lễ nghĩa, kính trên, nhường dưới, con cái luôn đặt chữ hiếu làm đầu, hết lòng kính yêu và biết ơn các bậc sinh thành, biết ơn tổ tiên… Đó là truyền thống cha mẹ thương yêu, chăm sóc con cái, vợ chồng sống với nhau thủy chung và có trách nhiệm, đồng lòng với nhau theo phương châm “đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”. Đó là sự đoàn kết nhường nhịn nhau giữa các anh chị em trong gia đình theo truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam: “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “anh em như thể chân tay”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Gia đình Việt Nam truyền thống được xây dựng trên cơ sở tình nghĩa và quan hệ khăng khít trong tình cảm trong gia đình và dòng họ. Quan hệ người với người là quan hệ tình nghĩa giúp đỡ lẫn nhau, trên cơ sở “lá lành đùm lá rách”. Trong gia đình truyền thống Việt Nam, vai trò của người già rất quan trọng đối với con cái và cháu chắt. Nhờ thế hệ già, những kinh nghiệm sống, những quan niệm đạo đức, các cách ứng xử tốt đẹp mang bản sắc văn hóa Việt Nam được chuyển giao giữa các thế hệ, vì thế không tạo ra sự đứt đoạn trong truyền thống văn hóa dân tộc, tạo ra sự ổn định trong đời sống văn hóa tinh thần gia đình.
Tuy nhiên gia đình truyền thống cũng có những mặt lạc hậu cần phải loại bỏ như tư tưởng gia trưởng của người đàn ông trong gia đình, tư tưởng trọng nam khinh nữ, sự đa thê của người chồng, những hủ tục trong kết hôn và ma chay, tư tưởng “hào con hào của”… Chính vì lẽ đó, để xây dựng gia đình ở tỉnh Long An cần phải phát huy những truyền thống tốt đẹp và đấu tranh loại bỏ những mặt lạc hậu, tiêu cực của gia đình phong kiến.
Những tác động của nền kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa và của giao lưu văn hóa ngày nay đối với gia đình ở tỉnh Long An là hết sức to lớn. Cùng với sự phát triển vượt bậc của kinh tế - xã hội, hệ thống các kênh truyền thông cũng được mở rộng không ngừng. Có thể nói, chưa bao giờ trong lịch sử, mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ ở tỉnh Long An lại có dịp tiếp xúc rộng rãi, nhanh chóng với những nguồn thông tin trong và ngoài nước như hiện nay. Bên cạnh việc cập nhật những tin tức về chính trị, xã hội thì những thông tin về văn hóa, lối sống cũng tràn ngập trên các phương tiện thông tin. Những giá trị của gia đình hiện đại, đặc biệt là xây dựng mối quan hệ bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng, mối quan hệ dân chủ giữa cha mẹ và con cái, tôn trọng quyền bình đẳng giữa nam và nữ, tôn trọng lợi ích cá nhân cả mỗi người, đang dần dần tác động tích cực đến từng gia đình ở tỉnh Long An. Đồng thời chúng ta cần ngăn chặn những tác hại tiêu cực của lối sống văn hóa phương Tây như lối sống tự do, cá nhân chủ nghĩa, đề cao lợi ích vật chất đã gây ra những mâu thuẫn, chia rẽ trong gia đình, việc coi nhẹ các chuẩn mực của cuộc sống hằng ngày, sự ngược đãi cha mẹ và người già, thậm chí còn lạm dụng tình dục trẻ em… đang len lỏi vào cuộc sống của các gia đình.
Như vậy, có thể thấy rằng việc xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Long An hiện nay phải kết hợp những giá trị truyền thống gia đình của ông cha với việc chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Những yếu tố hiện đại trong văn hóa gia đình không những không mâu thuẫn, không loại trừ nền nếp gia phong truyền thống mà ngược lại chỉ bổ sung và tôn thêm giá trị của nó, trong đó, giữ gìn và phát huy nền nếp gia phong phải là vấn đề cốt lõi trong việc xây dựng gia đình văn hóa. Mỗi người càng phải phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong cuộc sống hôm nay.
Việc đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa không thể tách rời việc nghiên cứu, xem xét, đánh giá từ góc độ văn hóa gia đình. Nghĩa là, cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa và tiêu chí gia đình văn hóa hiện nay phải dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Đồng thời trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa phải biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là cơ sở xây dựng tư tưởng, đạo đức lối sống tốt đẹp, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh từ trong mỗi gia đình, lấy gia đình làm “pháo đài” chống lại sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội và những tác động xấu từ mặt trái của cơ chế thị trường. Xây dựng gia đình văn hóa là xây dựng mô hình gia đình Việt Nam hiện đại, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu chúng ta cần vươn tới và thực hiện là xây dựng gia đình văn hóa bao gồm cả những giá trị truyền thống và hiện đại. Xây dựng gia đình văn hóa là vừa phải kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, vừa kết hợp với những giá trị tiên tiến của gia đình hiện đại để phù hợp với sự vận động phát triển tất yếu của xã hội. Tất cả nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người.
Tại tỉnh Long An việc đề ra các tiêu chuẩn cụ thể để xây dựng gia đình văn hóa phải lấy nền tảng từ những giá trị truyền thống của văn hóa gia đình, bởi những giá trị đó góp phần xây dựng gia đình ấm no và hạnh phúc. Để làm được điều đó chúng ta cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tuyên truyền để người dân nhận thức giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ các thành viên trong gia đình tránh được các tệ nạn xã hội và nhiều vấn đề tiêu cực khác nảy sinh trong cuộc sống, là nền tảng để thể hệ trẻ trong gia đình xác định được đầu là giá trị đích thực, văn minh, tiến bộ trong xã hội hiện đại cần phải được tiếp thu, học hỏi và đâu là những vấn đề tiêu cực, lai căng đi ngược với xu thế văn minh, tiến bộ; là cơ sở để thế hệ trẻ xây dựng nhân cách mới, hợp với xu thế hiện đại, nhưng cũng không có nghĩa là quay lưng hoàn toàn với quá khứ, mà quá khứ sẽ được chắt lọc, mài dũa, đổi thay cho phù hợp với điều kiện mới, tiến bộ và văn minh hơn.
Thứ hai, luôn tạo được môi trường sống trong gia đình lành mạnh, một không gian văn hóa gia đình ấm cúng, tràn đầy tính truyền thống, các thành viên trong gia đình luôn yêu thương, đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau, hy sinh cho nhau, chứ không phải là sự so đo, ganh tỵ, không đặt lợi ích cá nhân, mục đích kinh tế, tiền bạc trên các mối quan hệ, ứng xử trong gia đình. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm cho các thành viên trong gia đình ý thức được rằng việc tiếp thu các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình đó không chỉ là nghĩa vụ của mỗi người mà còn là nhu cầu cần thiết của cuộc sống.
Thứ ba, Đảng ủy và ủy ban nhân dân các cấp phải hết sức quan tâm đến việc giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc, nhiều chính sách liên quan đến công tác xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc đã được ban hành; phải có một chiến lược xây dựng và phát triển các khu vui chơi giải trí lành mạnh, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, quản lý các sản phẩm văn hóa; tăng cường các phong trào nêu gương người tốt, việc tốt, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của phong trào xây dựng gia đình văn hóa; có chính sách hợp lý hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, giáo dục nâng cao dân trí.
Thứ tư, phải tiếp tục tích hợp những nội dung giáo dục văn hóa truyền thống trong gia đình lồng ghép giáo dục trong nhà trường. Để nhà trường trở thành một cơ sở giữ gìn và giáo dục có hiệu quả truyền thống văn hóa, thì nhất thiết phải đẩy mạnh các hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống phù hợp với tâm lý, tình cảm của từng lứa tuổi; thông qua các hoạt động ngoại khoá, các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống; đẩy mạnh hơn nữa các phong trào hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa, … nhằm tạo môi trường thuận lợi để các em tự hấp thụ, tự hiểu và tự nguyện tham gia từ đó đi đến ham thích các hoạt động tìm hiểu các giá trị truyền thống; Nghiên cứu và đưa nội dung giáo dục đời sống, hôn nhân và gia đình vào cấp học cuối cùng của chương trình trung học phổ thông.
Thứ năm, vấn đề đặt ra hiện nay là truyền thống văn hóa nói chung và văn hóa gia đình nói riêng chưa được thống nhất, xem đâu là cái lạc hậu, bảo thủ không hợp với xu hướng hiện đại, tiến bộ của xã hội cần phải được loại bỏ, lên án và đâu là những giá trị, chuẩn mực truyền thống hợp với xu thế tiến bộ cần phải được tiếp thu, kế thừa và phát triển. Vì vậy, để có được sự thống nhất chung trong việc lựa chọn những giá trị truyền thống để truyền dạy cho thế trẻ trong gia đình, nhà trường và xã hội thì nhất thiết chúng ta phải có một khung lý luận, phương pháp luận và những tiêu chuẩn cụ thể để xem xét, đánh giá những gì nên giữ lại, phát huy, những gì nên loại bỏ. Có như thế chúng ta mới giữ gìn và phát huy được những giá trị truyền thống trong việc xây dựng gia đình văn hóa hiện nay vừa mang đậm những giá trị của gia đình truyền thống vừa phát huy được những điểm tích cực của kiểu gia đình hiện đại, có như thế gia đình mới thực sự là “thành trì” bảo vệ con người trước những tấn công của những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội./.
ThS. Nguyễn Thị Huyền Trang
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở