Thực hiện phối hợp ba môi trường giáo dục gia đình – trường học – xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường của học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Long An
THỰC HIỆN PHỐI HỢP BA MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC
GIA ĐÌNH – TRƯỜNG HỌC – XÃ HỘI TRONG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
CỦA HỌC SINH THPT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
Bạo lực học đường (BLHĐ), theo khoản 5, Điều 2, Nghị định 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ "Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường": là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập. BLHĐ được biểu hiện các dạng sau: Một là, bạo lực về thể chất, (đánh đập, bứt tóc, xô đẩy, trấn lột, đổ đồ ăn lên người),…Hai là, bạo lực bằng lời nói (xúc phạm, bôi nhọ, sỉ nhục, bắt người khác làm theo ý mình,…). Ba là, bạo lực xã hội (phân biệt đối xử, cô lập, tẩy chay, nói xấu, bêu rếu xung quanh hay thậm chí trên các trang mạng xã hội,…). Bốn là, bạo lực qua hình thức công nghệ thông tin (gọi điện, nhắn tin đe dọa, đưa các clip quay lên các trang mạng xã hội,…). BLHĐ khiến môi trường học tập không an toàn, gây mất trật tự, suy thoái đạo đức xã hội, ảnh hưởng đến việc học tập cũng như sự phát triển trong tương lai của học sinh, nếu không được can thiệp kịp thời.
Hiện nay tỉnh Long An có 44 trường THPT, trong đó 39 trường công lập và 05 trường ngoài công lập. Thời gian qua, việc thực hiện công tác phòng, chống BLHĐ của học sinh tại các trường được Đảng bộ và chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, điều hành nhằm việc xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện, không có bạo lực. Qua khảo sát trực tiếp các chủ thể liên quan[1], các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống BLHĐ và đã đạt được một số kết quả nhất định: tập trung chỉ đạo điều hành, tuyên truyền các văn bản liên quan phòng, chống bạo lực học đường[2]; tổ chức các mô hình có biện pháp phòng chống bạo lực phù hợp…góp phần tích cực cho gia đình, xã hội, các cấp nhận biết, quan tâm nhiều hơn trong thực hiện, hạn chế những hành vi bạo lực trong nhà trường. Tuy nhiên, với những nhân tố tác động trực tiếp, gián tiếp, khách quan và chủ quan thì từ năm học 2018-2019 đến hết năm học 2022-2023, toàn tỉnh đã xảy ra 108 vụ BLHĐ với hơn 218 học sinh vi phạm[3]. Trong tình hình đó, để góp phần cho việc phòng, chống BLHĐ của học sinh THPT hiệu quả hơn thời gian tới, bài viết xin làm rõ thực trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả việc phối hợp 3 môi trường.
Còn cha mẹ học sinh (CMHS) kinh tế khó khăn ít thời gian gần gũi để quan tâm, chăm sóc, giáo dục con,… làm cho các em thấy xa cách, không thể chia sẻ được,… Bên cạnh đó, tư tưởng khoán trắng việc giáo dục con cái cho nhà trường hoặc quá nuông chiều, thỏa mãn mọi nhu cầu của con. Khi gia đình có bố mẹ, người lớn thiếu gương mẫu, có cách giáo dục thô bạo đã dẫn đến các em có tính cách tiêu cực, dễ bị lôi kéo tham gia vào đánh nhau, vi phạm nội quy nhà trường,…Công tác kiểm tra, giám sát nhà trường còn hạn chế, thiếu sự quan tâm BLHĐ; giáo viên chủ nhiệm (GVCN) chưa kịp thời uốn nắn những hành vi chưa đúng của học sinh, giáo viên bộ môn ít quan tâm chỉnh đốn nề nếp, tác phong và hành vi chưa chuẩn mực của các em vì tâm lý sợ "tai bay vạ gió",…Mặt khác, những tác động từ bên ngoài như hoàn cảnh sống xung quanh gia đình học sinh, các trang mạng xã hội, tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường,…Khi sống trong môi trường tiếp xúc với các đối tượng xấu nhiều và sử dụng các trang mạng không lành mạnh sẽ tác động xấu tới các em, vào trường các em đem những tiêu cực đó cho học sinh khác trong trường. Từ đó cho thấy cần thiết giải pháp phối hợp 3 môi trường giáo dục: "Gia đình – Trường học – Xã hội" trong phòng, chống BLHĐ, cụ thể sau:
Nhóm giải pháp về phía gia đình:
Gia đình là tế bào của xã hội, là nền tảng trong việc giáo dục con cái. Một gia đình hạnh phúc, có lối sống lành mạnh, văn minh sẽ tác động tích cực đến sự hình thành tâm lý, tính cách của con cái. Trong gia đình (ông bà, cha mẹ, anh chị,…) đóng vai trò rất quan trọng, chỉ cần học sinh có lòng tin vào các thành viên trong gia đình, mạnh dạn chia sẻ những chuyện vui – buồn, những vấn đề bức xúc từ trường lớp, từ bạn bè, thầy cô,…giúp phòng, chống BLGĐ thành công lớn. Con cái phải hiếu thảo, vâng lời ông bà cha mẹ, anh chị biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Các thành viên trong gia đình cần định hướng việc làm đúng đắn cho học sinh; dành nhiều thời gian quan tâm đến con cái của mình, tình hình học tập và các hoạt động của con em mình thông qua GVCN lớp; quan hệ bạn bè xung quanh con để có sự can thiệp kịp thời. Ông bà, Cha mẹ, anh chị,…là tấm gương để các em học hỏi, noi theo, học cách kiềm chế cảm xúc; chủ động liên hệ trao đổi với GVCN, bạn bè các em nắm những khó khăn, lo lắng các em từ đó có thể định hướng giúp các em tự tin, giải quyết, khắc phục kịp thời các hành vi có thể dẫn đến BLHĐ nơi các em học tập. Khuyến khích, tạo điều kiện để các em chủ động học tập, lĩnh hội kiến thức, tự tin tham gia các hoạt động do Đoàn thanh niên của trường phát động; tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện mà nhà trường tổ chức nhằm tăng tính hướng thiện cho các em đồng thời thực hiện rèn luyện tác phong, ngôn phong, hành xử đúng mực của các em. Nếu phát hiện hành vi BLHĐ phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp và xử lý. Bên cạnh đó, bản thân học sinh cần nâng cao nhận thức, ý thức về hành động và những hậu quả của hành động bạo lực; xây dựng mối quan hệ bạn bè trong sáng, lành mạnh, giúp đỡ nhau trong học tập, có ý thức tránh xa các trò chơi bạo lực, các tệ nạn xã hội; phải xác định động cơ học tập, mục đích học tập và sống có lý tưởng.
Nhóm giải pháp về phía nhà trường
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống BLHĐ nói riêng nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh; đảm bảo an ninh trật tự trường học, phòng, chống ma túy, BLHĐ; chủ động phòng ngừa, không để học sinh vi phạm tệ nạn xã hội, tội phạm bên ngoài xâm nhập vào trường học, cụ thể như:
Đội ngũ giáo viên quan tâm đến mọi đối tượng học sinh, để tận tình giúp đỡ các em tiếp thu tốt nhất ngoài kiến thức mình truyền đạt, nắm được tâm lý học sinh. Thường xuyên dẫn dắt, định hướng cho các em trong các kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Đồng thời luôn lắng nghe, chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ kịp thời khi các em có những khủng hoảng về tinh thần cũng như vật chất. Và mỗi giáo viên trong nhà trường thật sự là bạn với học sinh những lúc cần thiết. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động: "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" và cuộc vận động: "Mỗi Thầy giáo (Cô giáo) là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo" trong nhà trường.Tích cực nâng cao chất lượng giờ dạy, chú trọng lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức học sinh trong môn học, giờ học. Trong đó các môn Khoa học xã hội như: Văn học, Lịch sử, Điạ lý, Sinh học và đặc biệt là môn Giáo dục công dân có vị trí quan trọng đối với việc trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về phẩm chất, đạo đức về quyền và nghĩa vụ công dân sẽ giúp học sinh có thái độ tích cực và thực hiện những hành vi phù hợp chuẩn mực đạo đức, hạn chế xảy ra BLHĐ. Thực hiện lồng ghép việc giáo dục đạo đức vào các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; tăng cường công tác giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cũng như giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện các kỹ năng sống như kỹ năng ứng xử, cách giải quyết các xung đột,…giúp các em hướng tới những điều tốt đẹp. Tuyên truyền sâu rộng về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kết hợp giáo dục lý luận chính trị với giáo dục lý tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho học sinh thông qua các hoạt động tập thể, đặc biệt lồng ghép trong môn Giáo dục công dân. Làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, nêu gương tốt để học sinh noi theo, đặc biệt là những tấm gương tiêu biểu về học sinh vượt khó học giỏi qua các năm học.
Công tác chủ nhiệm lớp cần đảm bảo yêu cầu sư phạm, kinh nghiệm, kiến thức tâm lý trong đó có phòng, chống BLHĐ. GVCN chủ động khi bắt đầu nhận lớp chủ nhiệm theo sự phân công của nhà trường, GVCN nắm bắt thông tin nhanh, kịp thời, đầy đủ về đặc điểm tình hình lớp, học sinh,…về hoàn cảnh gia đình, tình hình học tập năm học trước, đặc điểm tâm sinh lý, thể chất,…để có điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời. Tận dụng những buổi họp CMHS thường kỳ để thay mặt học sinh truyền tải nguyện vọng, mong muốn của học sinh tới CMHS về các hoạt động tập thể. Sau đó, thông tin lại cho học sinh trong giờ sinh hoạt lớp nhằm thực hiện các hoạt động phong trào hiệu quả cao nhất mà tốn ít thời gian nhất, lại được sự đồng thuận của cha mẹ các em. Phát huy hơn nữa vai trò của GVCN trong việc gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng học sinh để có thể chia sẻ những khó khăn với học sinh, để an ủi và động viên các em vượt khó vươn lên. Đặc biệt, chú ý những học sinh có điều kiện và hoàn cảnh dễ bị tổn thương như: Có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, học sinh mồ côi, học sinh mà gia đình bố mẹ có mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm,…
Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh; nhà trường hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục con. Bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về tư vấn tâm lý và kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm. Phối hợp tốt các bộ phận, đoàn thể trong nhà trường tạo ra các hoạt động vui chơi lành mạnh như: Văn nghệ, thể dục thể thao, các phong trào thi đua học tập,… Nhằm xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; giáo dục ý thức "tôn sư trọng đạo", học sinh chăm ngoan, có ý thức rèn kỹ năng sống, giá trị sống.
Chú trọng Tổ tư vấn tâm lý học đường gồm giáo viên có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về pháp luật, tâm lý học sinh, xã hội,…để thực hiện hỗ trợ tư vấn tâm lý, sức khỏe và những vấn đề "thầm kín" cho học sinh, giáo dục học sinh sống thân thiện, hoà nhập với cộng đồng; ngăn ngừa những suy nghĩ tiêu cực, hành vi bột phát, quá khích, trầm cảm,…dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Nhà trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với CMHS trong công tác giáo dục đạo đức, lý tưởng, kỹ năng sống và giáo dục ý thức học tập cho học sinh. Căn cứ đặc điểm tình hình trường có bản thỏa ước giữa trường và CMHS để giao ước giáo dục đạo đức, lý tưởng, kỹ năng sống, học tập cho học sinh. Nội dung giao ước là ngoài việc tạo điều kiện cho con em học tập tốt, gia đình còn phải thường xuyên quan tâm giờ giấc học ở trường cũng như đạo đức tác phong của các em. Đối với những học sinh có biểu hiện vi phạm nội quy, Tổ Tư vấn tâm lý học đường, Đoàn thanh niên phối hợp với GVCN kịp thời thông tin về gia đình để phối hợp giáo dục. Phối kết hợp chặt chẽ giữa GVCN và CMHS để uốn nắn kịp thời những hành vi lệch chuẩn của học sinh. Khâu này khá quan trọng, một GVCN lớp có tâm, có năng lực giỏi biết đề ra kế hoạch cụ thể, bố trí những "ăng-ten" tin cậy trong lớp, thường xuyên kiểm tra giám sát các biểu hiện và hành vi bất thường của học sinh trên lớp.
Nhóm giải pháp về phía xã hội
Chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cơ sở nơi có trường THPT đóng trên địa bàn cần phối hợp tốt với trường học giữ an toàn trật tự tại các cổng trường vào những giờ cao điểm như trước giờ học và giờ ra về của học sinh mỗi buổi học; có biện pháp ngăn chặn kịp thời những hành vi tụ tập kéo bè kết phái xung quanh trường và ngoài khuôn viên trường. Quản lý tốt các lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội khuyến học có biện pháp giúp đỡ để những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được an tâm học tập như lo toàn bộ sách vở, dụng cụ học tập, cấp học bổng,…việc giúp đỡ này sẽ giúp các em không xa rời môi trường thân thiện của mình là mái trường thân yêu, những việc làm thân thiện như thế cũng đã giúp các em không bị rơi vào trường đời quá sớm làm ảnh hưởng đến nhân cách của các em vì những tiêu cực xẩy ra trong xã hội. Bên cạnh đó, phối hợp tập huấn, nói chuyện chuyên đề, giáo dục về giới, về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tuyên truyền về phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường như ma túy, an toàn giao thông, về phòng cháy chữa cháy; kĩ năng sống, giao tiếp và ứng xử cho học sinh,…
Tóm lại, "đẩy lùi" nạn BLHĐ trong các trường THPT hiện nay không chỉ trách nhiệm ngành giáo dục mà toàn xã hội. Do đó, để "đẩy lùi" tình trạng BLHĐ cần nhận thức rõ được vai trò (trách nhiệm) của của từng chủ thể tham gia phòng, chống, trong đó là các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp 3 môi trường giáo dục "Gia đình – Trường học – Xã hội". Có như vậy, thì mới đem lại môi trường học đường được lành mạnh, tiến bộ, văn minh./.
ThS. Võ Đình Nguyên Hạnh
Khoa NN&PL
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Quốc hội (2005), Luật Giáo dục năm 2019.
- Chính phủ (2017), Nghị định số 80/2017/NĐ-CP, ngày 17/7/2017 của Chính phủ "Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường".
- UBND tỉnh Long An (2023), Kế hoạch số 555/KH-UBND ngày 07/3/2023 của UBND tỉnh Long An "về triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường trên địa bàn tỉnh Long An".
- Sở Giáo dục và Đào tạo (2023), Kế hoạch số 152/KH-SGDĐT ngày 16/01/2023 của Sở GD&ĐT tỉnh Long An "về thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học năm học 2022-2023".
- Sở Giáo dục và Đào tạo (2023), Kế hoạch số 1043/KH-SGDĐT ngày 31/3/2023 của Sở GD&ĐT tỉnh Long An "về Triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường của ngành Giáo dục và Đào tạo".
- Sở Giáo dục và Đào tạo (2023), Kế hoạch số 1133/KH-SGDĐT ngày 06/4/2023 của Sở GD&ĐT tỉnh Long An "về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học của ngành Giáo dục và Đào tạo năm 2023".
- Trường Chính trị Long An (2023), Các bài Hội thảo "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường của học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Long An".
[1] 480 phiếu khảo sát, gồm: Chủ nhiệm lớp (120 phiếu), Cha mẹ học sinh (120 phiếu), Học sinh THPT: (240 phiếu).
[2] Nghị định số 80/2017/NĐ-CP, ngày 17/7/2017 của Chính phủ "Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường"; Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT, ngày 12/4/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo "Về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục"; Kế hoạch số 558/KH-BGDĐT, ngày 10/7/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo "Phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên năm 2019"; Thông tư số 38/2019/TT-BLĐTBXH, ngày 30/12/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội "Hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp";
[3] Năm học 2018-2019: 14 vụ, 26 học sinh vi phạm; Năm học 2019-2020 29 vụ, 59 học sinh vi phạm; Năm học 2020-2021: 31 vụ, 85 học sinh vi phạm; Năm học 2021-2022: 28 vụ, 41 học sinh vi phạm; Năm học 2022-2023: 06 vụ, 07 học sinh vi phạm.