Một số giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Long An hiện nay
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN HIỆN NAY
Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em; làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây ra những hậu quả về vật chất, tâm lý cho các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng các quyền con người.
Phòng chống bạo lực gia đình là bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là phụ nữ, trẻ em. Từ đó, góp phần đảm bảo cho gia đình hòa thuận, hạnh phúc, bền vững; mỗi thành viên trong gia đình sẽ có ý thức sâu sắc hơn việc cần phải tôn trọng lẫn nhau, quan tâm nhau,…Bên cạnh, phòng, chống bạo lực gia đình có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của các thành viên gia đình; đảm bảo sự phát triển lành mạnh của trẻ em; đảm bảo cho hạnh phúc, bình yên trong mỗi gia đình cũng như đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Việc phòng, chống bạo lực gia đình sẽ nâng cao ý thức bảo vệ gia đình cho các thành viên, góp phần đảm bảo cho một gia đình dân chủ, hòa thuận, hạnh phúc, bền vững. Bắt đầu bằng việc nhận ra hậu quả của hành vi bạo lực, những quyền và nghĩa vụ của mình với hành vi bạo lực trong gia đình, mỗi thành viên gia đình sẽ có ý thức sâu sắc hơn việc cần phải tôn trọng lẫn nhau, cần có những sự quan tâm đúng cách tới nhau, cần có những ứng xử hợp lý khi nảy sinh tranh chấp, từ đó, họ cũng sẽ hiểu và trân trọng hơn gia đình và những người thân của mình.
Đối với tỉnh Long An, trong thời gian qua, năm 2018 ghi nhận 122 vụ, năm 2019 toàn tỉnh xảy ra 102 vụ, năm 2020 toàn tỉnh xảy ra 77 vụ, năm 2021 toàn tỉnh xảy ra 34 vụ, năm 2022 toàn tỉnh xảy ra 20 vụ[1]. Nhìn chung, bạo lực gia đình ở Long An là do nam giới – người chồng gây ra là chủ yếu, chiếm 91,9% và nạn nhân của bạo lực gia đình chính là phụ nữ - người vợ trong gia đình, chiếm 48,1% tổng số vụ bạo lực. Trong đó, bị bạo lực thân thể chiếm tỷ lệ cao nhất: 16,8% thường xuyên bị bạo lực thân thể, 59% đôi khi bị bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần và bạo lực kinh tế: 16% thường xuyên bị bạo lực tinh thần, 58,2% đôi khi bị bạo lực tinh thần; 9% thường xuyên bị bạo lực kinh tế; 52% đôi khi bị bạo lực kinh tế. Bạo lực tình dục là loại bạo lực gia đình đặc biệt, khi mà có đến 55,7% người được hỏi có câu trả lời là không biết có xảy ra hay không; 27,5% cho rằng không xảy ra[2]. Tuy nhiên, công tác phòng, chống bạo lực gia cũng còn những hạn chế như tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình chưa thường xuyên, chưa sát với đối tượng; các cấp, các ngành, đoàn thể chưa có sự quan tâm đúng mức về vấn đề này; các nguồn lực xã hội dành cho phòng chống bạo lực gia đình còn thiếu; nhiều vụ bạo lực gia đình xảy ra chưa được thống kê đầy đủ; nhận thức về pháp luật phòng chống bạo lực gia đình của người dân, đặc biệt là phụ nữ còn hạn chế, tâm lý không muốn "vạch áo cho người xem lưng" của chính nạn nhân khi có bạo lực gia đình xảy ra vẫn còn phổ biến,… Bạo lực gia đình thường xuất phát từ việc người chồng hoặc người vợ nghiện hút, cờ bạc, rượu bia, mại dâm… chiếm 62,4%, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn; không có việc làm chiếm 44,3%. Bên cạnh đó, bạo lực gia đình còn xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, trình độ văn hóa thấp chiếm 39,7%.[3]
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Long An trong thời gian tới cần phải thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, các cấp ủy Đảng tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống bạo lực gia đình và về công tác xây dựng gia đình Việt Nam trong tình hình mới. Đồng thời, củng cố và kiện toàn Ban Chỉ đạo Công tác gia đình trên địa bàn tỉnh và Tổ Thư ký; kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác gia đình cấp huyện và cấp xã; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của mình để từ đó kịp thời điều chỉnh và có cách thức cần thiết nhằm tăng hiệu quả của hệ thống pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình.
Thứ hai, tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp về phòng, chống bạo lực gia đình. Nghiên cứu và ban hành các chính sách, pháp luật về công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình. Xây dựng kế hoạch thực hiện công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình ở mỗi cấp. Tuyên truyền, ngăn chặn, xử lý kịp thời những biểu hiện, những hành vi bạo lực gia đình.
Thứ ba, xây dựng và duy trì hiệu quả các hoạt động truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình nâng cao hiệu quả của thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình và bạo lực gia đình, góp phần tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam.
Thứ tư, nâng cao khả năng tự bảo vệ của phụ nữ trước bạo lực gia đình. Trang bị kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cho phụ nữ. Không ngừng học tập, nâng cao nhận thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức và cần xây dựng thêm các mối quan hệ xã hội, tham gia các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương để được chia sẻ, động viên và giúp đỡ kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Xóa bỏ tâm lý tự ty, an phận, cam chịu và định kiến; có ý chí tự lập, tự cường, tự nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn; phân công hợp lý, hướng dẫn, động viên thành viên nam chia sẻ công việc lao động trong gia đình. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế. Khi gặp phải những mâu thuẫn, xung đột, các thành viên trong gia đình cần bình tĩnh trao đổi, tránh hiện tượng dùng quyền lực, sức mạnh, sự phụ thuộc của người khác để ép buộc những thành viên khác theo ý muốn của mình. Sử dụng phương pháp "hạ nhiệt" để hàn gắn đổ vỡ gia đình - chồng nóng thì vợ bớt lời.
Bên cạnh đó, khi bị bạo lực thì phải mạnh dạn, kiên quyết gửi đơn thư, điện thoại hoặc trình báo trực tiếp đến UBND, công an, trưởng ấp, tổ trưởng tổ dân phố, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương. Xây dựng kế hoạch an toàn khi bạo lực gia đình trở nên nghiêm trọng, điển hình như: Chọn nơi để đi: cần cân nhắc lựa chọn xem nơi nào là điểm đến an toàn nhất, có thể nhận được nhiều sự trợ giúp nhất. Chuẩn bị đồ đạc: bạn có thể thu xếp một số đồ đạc cá nhân, những giấy tờ cần thiết để mang đi khi rời khỏi nhà. Trong một số trường hợp, nạn nhân thường bị phong tỏa tất cả tài sản, giấy tờ, vật dụng. Tiết kiệm cá nhân: việc chủ động về tài chính là cần thiết với mỗi cá nhân, lệ thuộc vào tài chính của người khác cũng là một nguyên nhân dẫn tới bạo lực gia đình hoặc ngăn cản nạn nhân bạo lực gia đình tự lo cho mình.
Thứ năm, xây dựng kế hoạch an toàn tại gia đình. Đối với những em nhỏ hay các thành viên khác trong gia đình cần nên tránh khi bố say xỉn hay lúc bố mẹ cãi nhau, vì rất có thể các em sẽ bị trút giận, nên dựa vào các người lớn hơn và đáng tin cậy như ông bà, cô, dì, chú, bác. Cha mẹ nên tránh những cuộc cãi vã, nếu không tránh khỏi thì cố gắng để những cuộc cãi vã đó xảy ra trong phòng có thể dễ dàng thoát ra được. Tránh xa những nơi có vũ khí, dao búa, gậy gộc,... Đồng thời, xác định một hay vài hàng xóm có thể tâm sự, nói chuyện về tình trạng bị bạo hành của bạn và yêu cầu giúp đỡ nếu họ nghe tiếng kêu cứu của bạn. Nói cho các con của bạn biết chúng cần phải làm gì khi có bạo hành hoặc lên kế hoạch chạy trốn với chúng. Nhớ các số điện thoại của các tổ chức cứu giúp (Trưởng ấp, khu phố; công an).
Thứ sáu, tạo điều kiện để đàn ông tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Thực tế những cuộc bạo lực gia đình hiện nay đa số do người đàn ông gây ra. Vì vậy, để hạn chế các vụ bạo lực trong gia đình thì ngoài việc cung cấp các biện pháp cho phụ nữ thì biện pháp hiệu quả nhất là thì phải chính nam giới là những người kết thúc việc này. Do đó không "chĩa mũi dùi" phòng chống bạo lực gia đình về phía người đàn ông - đối tượng chủ yếu của hành vi bạo lực gia đình - một chiến dịch sử dụng biện pháp "khích tướng" đã được áp dụng mong hạn chế dần vấn nạn này. Là một trong những người khởi xướng cho chiến dịch "Mình là đàn ông, mình chống bạo lực".
Với ý thức của rất nhiều người, việc đối mặt với vấn nạn bạo lực gia đình, điều quan trọng là cứu giúp người phụ nữ thoát khỏi hoàn cảnh của họ. Rất nhiều người đàn ông không bao giờ có quan niệm về bạo lực gia đình và không sử dụng bạo lực tại gia đình. Nhiều người con phản đối kịch liệt việc sử dụng bạo lực trong gia đình và rất bất bình khi nghe những chuyện bất bình về bạo lục trong gia đình. Cho lên việc tổ chức thành lập các nhóm nam giới tham gia hoạt động chống bạo lực gia đình được các chuyên gia đánh giá là khá hiệu quả. Thực hiện thí điểm tại vài địa phương khác nhau để đánh giá hiệu quả và khắc phục những thiếu sót và những hạn chế rồi từ đó nhân rộng ra nhiều nơi. Cần tạo lên nhiều nhóm nam giới tham gia chống bạo lực gia đình để tạo thành phong trào chung trong các địa phương, đồng thời tuyên chuyền những tấm ngương đi đầu trong phong trào này. Phần lớn bạo lực gia đình là do đàn ông gây ra vì vậy chỉ có họ mới là những người ngăn chặn được tệ nạn này: "chỉ có những người thắt nút mới là những người tháo được nút".
Thứ bảy, tổ chức thực hiện thường xuyên việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ phòng, chống bạo lực gia đình và tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Tăng cường đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh dành cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; đặc biệt là quan tâm tới chế độ chính sách cho cán bộ chuyên trách thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình để có thể hoạt động và đạt hiệu quả. Huy động và sử dụng kinh phí cho hoạt động phối hợp liên ngành cần phải có sự thay đổi theo hướng tập trung mọi nguồn lực (ngân sách nhà nước, tài trợ quốc tế, huy động cộng đồng) về một đầu mối, quản lý và phân bổ theo các hoạt động ưu tiên và được xây dựng trong kế hoạch
Thứ tám, thực hiện thường xuyên hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những hành vi bạo lực gia đình
Việc kiểm tra, giám sát thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ giúp nắm bắt thực trạng bạo lực gia đình, việc triển khai và tổ chức thực hiện Luật của cấp ủy, chính quyền. Giám sát sâu bằng cách phỏng vấn trực tiếp hoặc lập phiếu hỏi với những người có trách nhiệm, cho các đối tượng được tuyên truyền. Tăng cường kiểm tra giám sát việc thi hành Luật, chính sách, thực hiện các nhiệm vụ công tác liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi cá nhân, đặc biệt là các nạn nhân của bạo lực gia đình, thúc đẩy việc thực hiện các nghĩa vụ gia đình đối với mọi cá nhân, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình.
Tóm lại, gia đình là tế bào của xã hội, bạo lực gia đình có tác động tiêu cực tới sự phát triển của xã hội. Từ thực trạng công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Long An, có thể thấy chính quyền và nhân dân địa phương đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, triển khai có hiệu quả Luật phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản pháp luật có liên quan vào thực tiễn địa phương, nạn bạo lực gia đình về cơ bản đã được kiểm soát trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn bất cập đòi hỏi thực hiện nhiều giải pháp để công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt nhiều chuyển biến tích cực hơn thời gian tới./.
Th.S Nguyễn Tấn Phước
Khoa Lý luận cơ sở
[1] Nguồn: baolongan.vn, ngày 24/6/2022.
[2] Nguồn: Tổng hợp Kết quả từ Phiếu khảo sát đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2023
[3] Nguồn: Tổng hợp Kết quả từ Phiếu khảo sát đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2023