Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam hiện nay
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI
VÀO SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG VIỆT NAM HIỆN NAY
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết thừa và phát huy truyền thống trọng dụng nhân tài của dân tộc Việt Nam lên một tầm cao mới. Đồng thời, Người là tấm gương mẫu mực về phát hiện và trọng dụng nhân tài phục vụ sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trong lúc còn bộn bề khó khăn, thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tìm người tài để xây dựng đất nước. Người đã viết "Chiếu cầu người hiền tài", kêu gọi mọi người, các địa phương tìm kiếm người tài, tiến cử người hiền tài cho Chính phủ. Ngày 14/11/1945, trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển thêm nhiều"[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một quốc gia, một đất nước không biết đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài là một khuyết điểm lớn. Người chủ trương phải "tìm người tài đức" bởi sự nghiệp xây dựng đất nước cần phải có nhân tài. Người khẳng định: "Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức."[2]. Vì vậy, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được nhiều nhân sĩ, trí thức khác nhau về xuất thân, địa vị xã hội nhưng họ đều là những trí thức có tâm huyết xây dựng nước Việt Nam mới. Tháng 1/1946, trong tình thế cách mạng diễn biến hết sức phức tạp, nhưng cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra thành công, lập ra Quốc hội dân chủ nhân dân đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt mới trong đời sống chính trị của nhân dân Việt Nam. Điều đặc biệt, thành viên Chính phủ rất đa dạng, thuộc các tầng lớp khác nhau, trí thức Hán học có các nhân sĩ, như: cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe..., trí thức Tây học có Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai... Họ đều chung một ý chí, đó là đoàn kết dân tộc chung tay góp sức xây dựng chế độ mới, bảo vệ độc lập dân tộc. Họ đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc sử dụng người tài phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ "dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn" và phải để họ hiểu rõ mọi mặt các công việc mà họ phụ trách. Dùng người mà không đúng công việc sẽ không được việc, làm thui chột nhân tài, có hại cho Đảng và cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng. Người cho rằng, vì "cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo"[3]. Người cũng cho rằng một trong những nguyên nhân không sử dụng được người tài là "bệnh hẹp hòi". Đó là một kẻ địch đáng sợ cùng với các căn bệnh khác như quan liêu, tham ô, tham nhũng, chủ quan, ích kỷ, cục bộ địa phương, bè phái và chia rẽ,… "Vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi"[4]. Bệnh hẹp hòi làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình: "Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ"[5]. Bởi vậy, muốn sử dụng được nhân tài thì phải kiên quyết chống các bệnh trên và phải chữa khỏi những bệnh đó.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách lãnh đạo dân chủ, gần dân, sát với nhân dân, biết chăm lo đến lợi ích của nhân dân là cách lãnh đạo phát huy được sáng kiến của người tài, là "chìa khóa vạn năng" để giải quyết mọi khó khăn trong công việc và những người tài trong nhân dân cũng xuất hiện, cùng chúng ta xây dựng đất nước. Người yêu cầu lãnh đạo, quản lý các cấp phải biết trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm "thui chột" nhân tài. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như "người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta"[6]. Người cho rằng, trọng dụng nhân tài phải biết tuỳ tài mà dùng người: "Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ"[7].
Tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài là tài sản vô giá, mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là bài học kinh nghiệm quý để Đảng và Nhà nước ta vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài, Đảng và Nhà nước luôn coi thu hút và sử dụng nhân tài là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ, bởi nhân tài - cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ; là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn coi trọng nhân tài, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991), Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, trong đó ghi rõ "Giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bồi dưỡng nhiều người giỏi về khoa học, công nghệ, kinh doanh, quản lý kinh tế, xã hội... Nhà nước có chính sách toàn diện thực hiện giáo dục phổ cập phù hợp với yêu cầu và khả năng của nền kinh tế, phát triển năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài"[8].
Tại Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996), Đảng ta xác định rõ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng nhân tài: "Xây dựng hệ thống trường chuyên, trường trọng điểm, trung tâm chất lượng cao ở các bậc học... Đổi mới hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và đại học, kết hợp đào tạo với nghiên cứu, tạo nguồn nhân lực đủ khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến... Dành ngân sách Nhà nước thoả đáng để cử những người giỏi và có phẩm chất tốt đi đào tạo và bồi dưỡng về những ngành nghề và lĩnh vực then chốt ở những nước có nền khoa học, công nghệ phát triển"[9]. Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Có chính sách hỗ trợ đặc biệt những học sinh có năng khiếu, hoàn cảnh sống khó khăn được theo học ở các bậc học cao. Có quy hoạch và chính sách tuyển chọn người giỏi, đặc biệt chú ý trong con em công nhân và nông dân để đào tạo ở các bậc đại học và sau đại học. Tăng ngân sách Nhà nước cho việc cử người đi đào tạo ở các nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến... Có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với các nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc; khuyến khích cán bộ khoa học, kỹ thuật công tác tại các vùng khó khăn, vùng nông thôn; động viên các nhà khoa học bám sát cơ sở sản xuất, hướng dẫn nhân dân nắm bắt và làm chủ những tri thức mới về khoa học và công nghệ"[10].
Đến Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X (2006), tư tưởng chỉ đạo về phát triển nhân tài của Đảng được khẳng định rõ hơn: "Xúc tiến xây dựng một số trường đại học của Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế, đào tạo nhân tài cho đất nước"[11]. "Thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, kỹ sư trưởng, kỹ thuật viên lành nghề và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao... Thu hút chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia giỏi người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia giảng dạy, phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam"[12]. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06-8-2008 "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Nghị quyết số 27-NQ/TW đã giải quyết một cách căn bản những vấn đề liên quan đến đội ngũ trí thức, nhân tài phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Nghị quyết số 27-NQ/TW đã thể hiện ba quan điểm quan trọng đối với đội ngũ trí thức, đó là:
Thứ nhất, trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Ðảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định. Trí thức có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của trí thức. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, với quan điểm coi đội ngũ trí thức, các nhà khoa học là vốn tài sản quý của quốc gia, Đảng ta chỉ rõ: "Có chính sách trọng dụng trí thức, đặc biệt đối với nhân tài của đất nước"; đồng thời "Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức"[13].
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, trên cơ sở kế thừa quan điểm trọng dụng nhân tài của các thời kỳ trước, Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài..."[14]; đồng thời đề ra phương hướng nhiệm vụ phát triển đội ngũ nhân tài, trí thức trong giai đoạn 2016 - 2020 là: "Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước"[15].
Như vậy, sau hơn 30 năm đổi mới, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương đúng đắn nhằm thu hút, trọng dụng, bồi dưỡng nhân tài, trí thức. Nhờ vậy, đội ngũ trí thức, nhân tài của đất nước phát triển nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng, phát huy vai trò trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đội ngũ trí thức đã đóng góp tích cực vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu, sáng tạo ra những công trình có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao. Đặc biệt, số trí thức trẻ năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng nhiều.
Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vai trò của tri thức và vị trí của đội ngũ trí thức vẫn sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của đất nước. Để có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đất nước gồm những người có tài năng và phẩm chất đạo đức tốt thì cần có một chiến lược lâu dài và hệ thống chính sách đồng bộ về đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài "vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng những lời căn dặn của Người đối với Đảng và Nhà nước về trọng dụng nhân tài cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Thị Thùy Ngân
Phòng TC,HC,TT,TL
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4,5. Nxb Chính trị quốc gia, H.2002.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, H.2006.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb Chính trị quốc gia, H.2011.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, tr.99.
[2] Sđd, tập 4, tr.273.
[3] Sđd, tập 5, tr.241.
[4] Sđd, tập 5, tr.257.
[5] Sđd, tập 5, tr.241.
[6] Sđd, tập 5, tr.273.
[7] Sđd, tập 5, tr.273.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, H.1991, tr.82.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, H.1996, tr.107.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001, tr.57-58.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, H.2006, tr.207.
[12] Sđd, tr.12.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr. 130.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.114.
[15] Sđd, tr.161.