"TRỒNG NGƯỜI" LÀ NỀN TẢNG TẠO NGUỒN CÁN BỘ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", mọi việc "thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Với tầm nhìn trí tuệ vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng: "Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây. Vì lợi ích 100 năm phải trồng người". Trong di chúc lịch sử để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người căn dặn Đảng ta phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế vừa "hồng" vừa "chuyên". Như vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ trong các tổ chức luôn là khâu quan trọng trong mọi giai đoạn phát triển. Để từng cán bộ trẻ phát huy vai trò, xây dựng được đội ngũ cán bộ trẻ có đủ năng lực, trình độ, vừa "hồng", vừa "chuyên" đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì vấn đề thực hiện sự nghiệp "trồng người" đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ là bước khởi đầu có ý nghĩa quyết định. Đó chính là nền tảng, tạo nguồn cho chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ và lực lượng nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhiệm vụ từng giai đoạn cách mạng.
Nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã đạt được một số kết quả quan trọng, ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Số lượng cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng tăng, cơ bản gắn với quy hoạch cán bộ, yêu cầu chức danh, vị trí việc làm; nội dung, chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng từng bước đổi mới; chất lượng đội ngũ giảng viên được nâng lên cả về trình độ văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị và kinh nghiệm thực tiễn; thông qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ (nhất là cán bộ chủ chốt) ở các cơ quan, đơn vị, địa phương cơ bản nắm được những kiến thức thức lý luận cơ bản, biết vận dụng lý luận để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động và sáng tạo; hăng hái thực hiện đường lối chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Trình độ kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn ngày càng được nâng cao, thích nghi dần với cơ chế mới. Đội ngũ cán bộ đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc đạt được những thành tựu về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng còn một số hạn chế, yếu kém. Việc mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn liền với nâng cao chất lượng. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chưa được thực hiện đồng bộ, chưa chú ý bồi dưỡng về kỹ năng quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là xử lý những tình huống trong thực tiễn. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa coi trọng đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng. vì vậy, năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và xu hướng quốc tế hoá nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với nước ta. Sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn... Thời gian tới cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hoà bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Vì vậy, từng bước trẻ hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở địa phương trong giai đoạn mới cấp ủy, chính quyền các cấp phải có kế hoạch, có lộ trình và bước đi cụ thể để xây dựng nguồn lực cán bộ. Phát hiện cán bộ nguồn thì phải làm sao được đào tạo, bồi dưỡng bài bản.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải đạt cho được mục tiêu giáo dục toàn diện để người học sau khi đào tạo đủ sức phục vụ nhân dân. Xây dựng được những con người và thế hệ có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân, làm chủ tri thức, có tư duy sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức và kỷ luật, có sức khoẻ - là những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên" như lời căn dặn của Bác. Quá trình đào tạo, bồi dưỡng phải là quá trình phát triển năng lực cho cán bộ, vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng phải xác định được những khiếm khuyết, những "khoảng trống" trong năng lực của cán bộ để "lấp đầy", đồng thời xác định được những năng lực cần có trong giai đoạn tiếp theo để xây dựng cho họ.
Trước hết, cấp ủy, chính quyền cần đổi mới tư duy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hướng tới mục đích phát triển năng lực người học thì việc thiết kế chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình thực thi công vụ. Cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng chức danh, vị trí. Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh. Sau khi xác định được những cán bộ nằm trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phải thống kê tổng hợp để nắm được số cán bộ cần được đào tạo, bồi dưỡng về từng mặt kiến thức, văn hóa, lý luận chính trị, kinh tế, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ.
Thứ hai, cán bộ nào cần được đi đào tạo một cách có hệ thống, chính quy; cán bộ nào cần đi bồi dưỡng các lớp ngắn hạn, các lớp tại chức, các lớp tập trung; ai cần được đi đào tạo trước, ai sau... Tất cả các kế hoạch này vừa phải thể hiện thành con số cụ thể, vừa phải thể hiện thành danh sách cụ thể. Điều quan trọng trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ không chỉ nêu ra được yêu cầu mà phải có biện pháp tích cực để thực hiện yêu cầu đó. Tận dụng những điều kiện sẵn có của địa phương, của ngành để có thể chủ động, tích cực hơn trong việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (như chủ động, tích cực trong việc mở lớp). Đồng thời cùng với tập thể lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về vật chất, tinh thần, thời gian cho các cán bộ được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ ba, thực hiện nghiêm các quy định, quy chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường phối hợp, liên kết để đa dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Chủ động mở rộng phối hợp với các cơ sở đào tạo để mở rộng các hình thức đào tạo, đa dạng hóa nội dung chương trình, đối tượng đào tạo; thực hiện đào tạo có mục tiêu, đào tạo theo yêu cầu để bổ sung, phát triển nguồn nhân lực cho cả nước và các địa phương; thực hiện chiêu sinh đúng đối tượng và phù hợp với quy mô đào tạo, cán bộ trẻ nhất thiết phải qua đào tạo tập trung.
Cuối cùng, công tác đào tạo cán bộ không chỉ thực hiện ở khía cạnh lý luận mà còn bồi dưỡng năng lực thực tiễn cho cán bộ, như luân chuyển cán bộ, cử đi nghiên cứu thực tiễn, tham quan học hỏi kinh nghiệm, kế hoạch kèm cặp... để có thể gắn liền công tác đào tạo với việc bố trí sử dụng cán bộ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu trong công tác cán bộ của thời kỳ phát triển kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế./.
ThS. Huỳnh Thị Thu Năm
TUV, Hiệu trưởng