Đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG, LIỆT SĨ, THƯƠNG BINH,
NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI NƯỚC ĐÃ XẢ THÂN VÌ SỰ NGHIỆP
GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC.
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống nhiều kẻ thù xâm lược hùng mạnh và tàn ác. Hơn một nghìn năm chống sự xâm lược và đô hộ của giặc Tàu, hơn một trăm năm đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Niềm vui Chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, được sống trong nền hòa bình, độc lập và thống nhất của dân tộc Việt Nam chưa được bao lâu, cả nước lại phải gồng mình chiến đấu với kẻ thù xâm lược mới: Bè lũ khát máu Pol-pốt, Campuchia để bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1978 và bọn bành trướng Bắc kinh ở biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979. Có thể nói rằng, lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam là những trang sử bi hùng được viết bằng máu và nước mắt của biết bao các thế hệ những người yêu nước, yêu độc lập tự do của một dân tộc anh hùng quyết không cam chịu cúi đầu làm nô lệ cho ngoại bang!
Để có được cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc như hôm nay, mỗi người dân Việt chúng ta không bao giờ quên công lao trời biển của Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc với quyết tâm chính trị sắt đá: "Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập" [1]. Và chúng ta cũng không bao giờ được phép quên công ơn lớn lao của biết bao gia đình có công với cách mạng, những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã vượt qua muôn vàng khó khăn, gian khổ, cống hiến to lớn về sức người, sức của, không tiếc máu xương và sinh mạng của mình và người thân trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Theo thống kê do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố gần đây, cả nước đã xác định được 8.841.199 người có công, chiếm khoảng 10% dân số, trong đó có 1.146.250 liệt sĩ, 781.021 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và thương binh loại B, gần 185.000 bệnh binh, 109.468 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 1.898.000 người có công giúp đỡ cách mạng, 4.146.796 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, 236.137 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học… [2] Những con số nêu trên, được minh chứng bằng hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ ở các nghĩa trang liệt sĩ trên khắp mọi miền đất nước ta, trong đó, có những nghĩa trang rộng mênh mông như Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương Côn Đảo…và hầu như tỉnh nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, huyện.
Đến viếng nghĩa trang liệt sĩ nhân những ngày lễ trọng đại của đất nước, ai cũng có thể cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh, sự mất mát, đau thương vô hạn của nhân dân và những hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng đời mình cho Tổ quốc. Trong số đó, có nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ hoặc chưa xác định được danh tính, trên bia mộ chỉ vẻn vẹn dòng chữ "Liệt sĩ không có tên". Đồng cảm với nổi đau đó, chúng ta không quên câu chuyện đầy xúc động của một cựu chiến binh đã bán đất, lấy hết tiền lương hưu của mình để đi tìm đồng đội suốt 25 năm, quyết giữ lời hứa: "Ai còn, ai mất nhớ đưa nhau về" và " Còn sức, còn thở tôi vẫn tiếp tục đi bởi còn 53 vạn hài cốt liệt sĩ chưa biết tên, 53 vạn gia đình vẫn chờ tin" của cựu chiến binh Đỗ Tuấn Đạt, 75 tuổi ở quận Thanh Xuân Hà Nội, đã đi gần 2000km vào tận An Giang để đưa hài cốt liệt sĩ về quê theo nguyện vọng của gia đình.
Trong hàng triệu gia đình có công với nước, có biết bao tấm gương đã trở thành biểu tượng của đức hy sinh, tiêu biểu như Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, quê ở xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, người mẹ đã 12 lần tiễn người thân lên đường và không một ai trở về bởi tất cả đều đã hy sinh! Nhiều người nước ngoài đã gọi mẹ Thứ là "người phụ nữ vĩ đại", khi được biết rằng mẹ có tới 9 người con, 2 người cháu ngoại và 1 người con rể đã hy sinh cho cách mạng! Có người còn cho rằng trên thế giới khó có thể tìm thấy người mẹ nào vì đất nước mà phải chịu nhiều lần nỗi đau mất người thân như mẹ Thứ, và cũng khó có thể tìm thấy ở đâu có đất nước nào kiên cường, bất khuất "Sáng chắn bảo giông, chiều nghiêng nắng lửa" như đất nước Việt Nam!
Ngay trong cuộc sống hoà bình hôm nay, chúng ta vẫn thấy có những người vì đất nước, vì nhân dân mà mà phải hy sinh tính mạng hoặc phải chịu thương tật. Đó là những chiến sĩ bộ đội hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới, công tác huấn luyện, là những chiến sĩ công an hy sinh trong khi truy bắt tội phạm nguy hiểm, như Thiếu tá Nguyễn Xuân Hào ở Đức Hòa, Long An hay vụ bạo động ở Đăklăk vào đêm 11/6/2023 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của 04 chiến sĩ công an, một Bí thư, một chủ tịch UBND xã và 03 người dân vô tội. Trên Biển Đông, trước sự quấy rối nhằm thực hiện yêu sách đường lưởi bò phi lý của Trung quốc, hàng ngày hàng giờ cuộc đấu tranh căng thẳng của những chiến sĩ hải quân, ngư dân bám biển phải bị thương vong, mất tài sản, ngư cụ do tàu Trung Quốc tấn công khi đang đánh bắt trên vùng biển quê hương hay làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam…Chúng ta mới thấu hiểu giá trị của của độc lập, tự do và được sống trong hòa bình quý giá như thế nào!
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây", tất cả các cơ quan, ban ngành đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, cơ sở đều quan tâm thực hiện tốt các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực đầy trách nhiệm và nghĩa tình… Qua đó, ghi nhận công lao to lớn và lòng tri ân của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đối với các gia đình có nhiều công lao với nước, các anh hùng thương binh, liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây cũng là dịp giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tự hào về truyền thống đoàn kết, anh hùng, bất khuất chống giặc ngoại xâm, ý chí độc lập, tự lực, tự cường và tự tôn của dân tộc Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cũng luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, công chức, viên chức chúng ta phải sống có ý nghĩa và có trách nhiệm hơn để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, luôn nổ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng chung vai góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; noi gương những người đi trước, sống trọn tình vẹn nghĩa với quê hương để không phải hổ thẹn với lương tâm, với con cháu hôm nay và mai sau./.
[1] Bảo tàng tỉnh Gia Rai, Bác Hồ và câu nói "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập" ngày 28/08/2020
[2] Đài phát thanh và Truyền hình Tiền Giang, Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, ngày 27/7/2014
Nguyễn Văn Hải
Khoa Xây dựng Đảng