image banner
Rèn luyện “tính đảng” của người cán bộ, đảng viên

RÈN LUYỆN "TÍNH ĐẢNG" CỦA NGƯỜI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

       Tính đảng là vấn đề được Lênin nêu lên từ rất sớm: "Tính đảng là tư tưởng xã hội chủ nghĩa"[1]. Kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lênin trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng và phát huy tính Đảng của đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính Đảng mới làm được việc. Kém tính Đảng, thì việc gì cũng không làm nên"[2]. Vậy cốt lõi tính Đảng là gì, các yếu tố hợp thành và vai trò của tính Đảng như thế nào?

       Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "tính Đảng" của cán bộ, đảng viên là sự biểu hiện tập trung nhất lập trường chính trị: "Trong tư tưởng của mình, chỉ có Đảng và lợi ích của Đảng"[3], Người đã chỉ ra cụ thể cốt lõi của nó gồm: "Một là, phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; Hai là, việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn…; Ba là, lý luận và thực hành phải luôn đi đôi với nhau"[4]. Đó cũng đồng thời là những phẩm chất cần thiết của người cán bộ, đảng viên. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng tính Đảng là tổng hòa các tố chất cần thiết của một người cán bộ, đảng viên hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nó được cố kết từ nhiều yếu tố và khi các yếu tố đó hội đủ trong 1 con người thì sẽ phát huy vai trò, sẽ dẫn đến thành công của cách mạng. Cụ thể:

       Thứ nhất, phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. 

       Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", ta thấy toàn bộ nội dung tác phẩm đề cao tư tưởng rèn luyện tính Đảng, nâng cao tính Đảng cho cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Bất kỳ bao giờ, bất kỳ việc gì, đều phải tính đến lợi ích chung của Đảng, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của cá nhân phải để lại sau. Đó là nguyên tắc tối cao của Đảng. Mỗi một đảng viên phải ghi chắc điều đó. Chúng ta gọi nó là Đảng tính"[5]. Mỗi đảng viên phải nhận thức sâu sắc nguyên tắc đó để tự xây dựng cho mình nguyên tắc làm việc trên tinh thần trách nhiệm dù công việc nào, cương vị nào. Lợi ích của Đảng, của dân tộc là vấn đề cốt yếu của cách mạng. Các cuộc đấu tranh cách mạng để bảo vệ Tổ quốc cũng là để bảo vệ lợi ích của dân tộc, của Đảng và của nhân dân. Trong đó, lợi ích tối cao là giữ gìn độc lập dân tộc, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

       Thứ hai, việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn.

       Cán bộ, đảng viên bất kể ở cương vị nào vào Đảng không phải "để cầu danh, cầu lợi", vì "Đảng không phải là nơi thăng quan, tiến chức, để phát tài…"[6] mà họ đứng vào hàng ngũ của Đảng để trở thành những người chiến sĩ tiên phong của giai cấp, của dân tộc. Đã là đảng viên phải suốt đời vì dân, vì nước mà phấn đấu, làm việc. "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau" vừa mang tính tiên phong, gương mẫu, vừa mang tính gần gũi, thể hiện trách nhiệm của người đảng viên dám nghĩ dám làm vì nhân dân phục vụ.

       Thứ ba, lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau

       Đảng ta là đảng cách mạng, lấy chủ nghĩa Mác- Lênin làm kim chỉ nam nên luôn gắn lý luận với thực tiễn thông qua hành động cách mạng. Chính vì vậy, những kết quả thực hiện Nghị quyết của các kỳ Đại hội sau hơn 30 năm đổi mới thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự đoàn kết nhất quán trong Đảng và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Do đó, thống nhất giữa lý luận và thực hành, giữa lời nói và việc làm cũng là một trong những nội dung phản ánh phẩm chất đạo đức và uy tín của đảng viên, từ đó phát huy cao độ tính Đảng trong mỗi người cán bộ, đảng viên.

       Bên cạnh đó, hiện nay, không ít cán bộ, Đảng viên đang xem nhẹ việc học tập, nghiên cứu lý luận; một số Cán bộ, Đảng viên chưa nhận thức hết được giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, thiếu lý luận khoa học soi đường để nhận thức và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống và công tác. Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giúp cán bộ, Đảng viên nhận thức rõ về mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, trách nhiệm của bản thân trong sự nghiệp cách mạng mà trước hết là trong tác nghiệp tại cơ quan, đơn vị.

        Từ những vấn đề trên, vận dụng vào quá trình học tập lý luận chính trị - hành chính, có thể rút ra những giải pháp nâng cao tính Đảng như sau:

       Một là, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình

       Cần chuyển biến nhận thức của học viên rằng việc đóng góp ý kiến xây dựng tập thể lớp hoàn thiện, phát triển là việc làm đúng đắn và cần thiết vì từng cá nhân hoàn thiện thì tập thể mới thống nhất đi đến thắng lợi trong học tập, rèn luyện. Đối với các lớp hệ không tập trung thì cần phát huy vai trò của chủ nhiệm trong việc điều phối các cuộc họp lớp, họp ban cán sự để việc thực hiện quy chế học viên, quy chế thi diễn ra đúng quy định. Đặc biệt là đối với các lớp hệ tập trung có thành lập chi bộ tạm thời, cần phải được đặt dưới sự chỉ đạo thường xuyên của đồng chí Đảng ủy viên phụ trách để công tác sinh hoạt chi bộ diễn ra có chất lượng, đi vào chiều sâu. Ngoài ra, có thể khuyến khích chi bộ xây dựng nghị quyết chuyên đề đối với từng phần học ví dụ: tỷ lệ đạt các mốc điểm số, tỷ lệ học viên tham gia thảo luận, tỷ lệ học viên tham gia học đầy đủ,…các chỉ tiêu đó cuối khóa đều có thể đem ra xem xét, xếp loại rèn luyện.

        Hai là, tổ chức tốt việc học tập, nghiên cứu lý luận, nhất là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

       Phải xác định việc học tập, trao dồi lý luận chính trị là nhiệm vụ trọng tâm khi vào học tại Trường Chính trị. Mỗi học viên được cấp ủy cấp huyện và tương đương cử đi học đều là cán bộ quy hoạch và dự nguồn các chức danh nên cần xác định rõ tinh thần thái độ học tập, học không phải hình thức mà học để nắm vững, để vận dụng vào thực tế địa phương, cơ quan làm tốt hơn nữa  công tác của mình, hoàn thành nhiệm vụ được giao một các hiệu quả. Bên cạnh đó, định kỳ, Trường tổ chức cuộc thi học viên học giỏi lý luận chính trị, là dịp để các đồng chí học viên có cơ hội thể hiện những gì mình đã học được, là cơ hội để trao dồi, học tập lẫn nhau, Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

       Đối với học viên, Ban cán sự lớp cần phải theo dõi lớp học, đề cao việc thực hiện các quy chế của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện hành, không để xảy ra các trường hợp báo cáo vượt cấp, gây dư luận học viên của lớp. Giữa khóa học, cần thiết có một cuộc họp giữa chủ nhiệm, Ban cán sự lớp và tập thể lớp trước khi cử Ban cán sự gặp gỡ, tiếp xúc lãnh đạo Trường và các phòng, khoa.

       Tóm lại, nội dung rèn luyện tính Đảng có giá trị tiếp tục soi sáng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến","tự chuyển hóa" trong nội bộ, để Đảng ta thật sự luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức./.

ThS. Nguyễn Đình Phong
Phòng QLĐT&NCKH


[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG- ST, H.2005, tr.165.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.307.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.290.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.291.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.290.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.1995, tr.510.


image advertisement
THÔNG TIN ĐÀO TẠO
Thư viện ảnh
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1