Một vài suy nghĩ về việc nghiên cứu, học tập tác phẩm kinh điển Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị Long An
MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP TÁC PHẨM
KINH ĐIỂN MÁC – LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LONG AN
Tác phẩm kinh điển là những bài nói, bài viết có giá trị mẫu mực, tiêu biểu; có ảnh hưởng lớn cho một học thuyết, một chủ nghĩa, một tôn giáo nào đó. Tác phẩm kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những bài nói, bài viết mang tính kinh điển của Các Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã được in ấn chính thức thành những tác phẩm dưới dạng toàn tập, tuyển tập hay những tác phẩm riêng lẻ. Những tác phẩm này đều là sản phẩm của tư duy thiên tài, được khái quát từ thực tiễn cách mạng và được kế thừa có chọn lọc từ kho tàng tri thức nhân loại. Các tác phẩm đó có giá trị khoa học lớn, là thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho hoạt động nhận thức và thực tiễn của con người.
Việc nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nội dung bắt buộc đối với người dạy và học các chuyên ngành lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, việc học tập, nghiên cứu các tác phẩm kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ giảng viên các trường chính trị là yêu cầu cần thiết nhằm cung cấp cho đội ngũ này những nhận thức căn bản, cốt lõi nhất trong từng tác phẩm. Mỗi tác phẩm kinh điển ra đời trong điều kiện hoàn cảnh, lịch sử khác nhau và độ dài cũng khác nhau. Vì vậy, khi nghiên cứu từng tác phẩm sẽ giúp cho giảng viên hiểu rõ hơn tính chân thực của tác phẩm. Qua đó, giảng viên sẽ khai thác những giá trị tư tưởng-lý luận, phương pháp luận trong các di sản của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ đáp ứng yêu cầu của công tác giảng dạy mà còn xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn của sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Từ thực tiễn, đối chiếu với lý luận và chứng minh sự đúng đắn của học thuyết khoa học Mác-Lênin và từ những chỉ dẫn có tính chất phương pháp luận của chủ nghĩa Mác- Lênin để tổng kết thực tiễn.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thời gian qua, Trường Chính trị Long An đã chú trọng vận dụng, nghiên cứu nội dung, tinh thần các tác phẩm và vận dụng ý nghĩa của vấn đề vào thực tiễn tại địa phương thông qua từng hoạt động của nhà trường như hoạt động giảng dạy, hội thảo khoa học, tọa đàm,… thu hút được sự tham gia tích cực của đội ngũ giảng viên nhà trường. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu cũng quan tâm cử được 05 giảng viên tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thông qua các khóa bồi dưỡng, được sự hướng dẫn tận tình, khoa học của các thầy cô đã góp phần trang bị thêm kiến thức cho đội ngũ giảng viên. Với mỗi tác phẩm được giới thiệu giúp cho giảng viên nhận thức lại tác phẩm, nắm vững hoàn cảnh ra đời, làm rõ hơn những giá trị mà các nhà kinh điển đã đóng góp cho nhân loại, dân tộc. Đồng thời, sẽ nhận thức rõ những nội dung của các nhà kinh điển đã trở nên lỗi thời, lạc hậu (do lịch sử đã vượt qua) hoặc những luận điểm sẽ được tiếp tục phát triển trong điều kiện mới. Với mỗi tác phẩm được nghiên cứu, sẽ rút ra ý nghĩa lý luận và thực tiễn mà tác phẩm đem lại ở thời điểm nó ra đời và thời điểm hiện nay (đối với thế giới và Việt Nam).
Nhìn lại suốt quá trình học tập, trải qua nhiều cấp học khác nhau, bản thân nhận thấy việc nghiên cứu các tác phẩm kinh điển là rất cần thiết cho một giảng viên Trường Chính trị. Tư tưởng trong các tác phẩm kinh điển là nền tảng của lý luận có tính cách mạng và khoa học. Những tác phẩm kinh điển của triết học Mác - Lênin có giá trị nổi bật về thế giới quan và phương pháp luận. Những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam, là di sản vô giá Người để lại cho dân tộc ta. Ngày nay, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị và tư tưởng diễn biến phức tạp thì việc nâng cao hiệu quả quá trình nghiên cứu các tác phẩm kinh điển lại càng cần thiết. Bởi vì, điều đó đảm bảo cho giảng viên truyền tải nội dung trong từng bài giảng lý luận chính trị có chiều sâu, giúp cho giảng viên và cả người học rèn luyện năng lực tư duy lý luận và phương pháp tư duy khoa học.
Tuy nhiên, bản thân nhận thấy, việc nghiên cứu và học tập các tác phẩm kinh điển thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định như: về phía người học, một bộ phận người học nói chung không đọc tác phẩm kinh điển hoặc tỷ lệ đọc rất thấp, đặc biệt là các tác phẩm khó như Chống Đuyrinh, Biện chứng của tự nhiên, Bút ký triết học, khi cần thì chỉ đọc qua loa, đại khái. Mặt khác, một bộ phận người học vẫn còn tâm lý học để đủ chuẩn của vị trí việc làm nên cũng chưa thật sự quan tâm đến việc đọc, nghiên cứu tác phẩm đã được giới thiệu. Về thời gian, chương trình, nội dung giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin, trong đó có triết học Mác - Lênin trong chương trình trung cấp lý luận chính trị (thuộc nhiệm vụ chính của các Trường Chính trị tỉnh) bị cắt giảm và thu hẹp. Đối với lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng có những áp lực về mặt thời gian, nội dung dẫn đến hiện tượng cả người dạy lẫn người học phải "chạy" cho kịp tiến độ lớp học. Điều đó dẫn tới việc nghiên cứu tác phẩm kinh điển, dù chỉ là tinh thần, luận điểm hay một phần của tác phẩm kinh điển rất khó khăn.
Để việc nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có hiệu quả, bản thân nghĩ rằng mỗi giảng viên phải tích cực học tập, nâng cao trình độ lý luận khoa học thì mới có khả năng nghiên cứu những vấn đề có tính trừu tượng, khái quát cao của tác phẩm kinh điển. Giảng viên phải thấy được sự cần thiết của học tập tác phẩm kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để có tinh thần, thái độ học tập nghiêm túc thì mới nắm bắt được tri thức kinh điển như V.I.Lênin đã nói không tự mình bỏ ra một công phu nào đó thì không thể tìm ra chân lý trong bất cứ một vấn đề hệ trọng nào cả và hễ ai sợ tốn công sức thì không sao tìm ra chân lý được.
Mặt khác, lãnh đạo Trường cần xây dựng kế hoạch việc đưa đội ngũ giảng viên tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi vì, bản thân mỗi giảng viên thì rất khó cho việc tiếp cận và nghiên cứu tác phẩm các tác phẩm kinh điển của Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà cần phải có sự giới thiệu, hướng dẫn của các Thầy, Cô thì việc nghiên cứu mới đạt hiệu quả như mong muốn.
Tóm lại, nâng cao chất lượng nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ giảng viên ở Trường Chính trị sẽ giúp đội ngũ này thực hiện trọng trách tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với học viên tốt hơn; làm rõ hơn sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin, niềm tin vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam và góp phần đấu tranh chống lại những luận điệu bội nhọ, xuyên tạc hiện nay./.
ThS. Nguyễn Thị Huyền Hương
Khoa Xây dựng Đảng