Giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh
GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
CỦA TƯ TƯỞNG ĐẠI ĐOÀN KẾT HỒ CHÍ MINH
Tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh là một bộ phận trong hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc của Người về cách mạng Việt Nam. Từ khi Đảng ta ra đời, tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng Việt Nam, là động lực chủ yếu làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đồng thời góp phần bổ sung, phát triển, làm phong phú hơn kho tàng lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
1.Tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh bổ sung lý luận về đoàn kết vào kho tàng lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin
Trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, chưa xuất hiện vấn đề dân tộc thuộc địa, C.Mác và Ph.Ăngghen chủ yếu bàn đến vấn đề đoàn kết công nông trong mỗi nước, với khẩu hiệu"Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!" để lật đổ chủ nghĩa tư bản. Từ thập kỷ 60, 70 thế kỷ XIX trở đi, khi chủ nghĩa tư bản đã chuyển từ tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa đế quốc, đồng nghĩa với việc đã xuất hiện vấn đề dân tộc thuộc địa, ách áp bức giai cấp và dân tộc đã diễn ra trên phạm vi thế giới, tư tưởng liên minh công nông và "Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!" của C.Mác và Ph. Ăng ghen đã được V.I.Lênin và Quốc tế Cộng sản mở rộng ra trên quy mô toàn thế giới với khẩu hiệu nổi tiếng: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!". Khẩu hiệu này trở thành lý luận đoàn kết quan trọng, định hướng cho phong trào cách mạng thế giới. Tuy nhiên, những thập niên đầu thế kỷ XX, V.I. Lênin và Quốc tế Cộng sản cũng chưa nhận thức đầy đủ vấn đề dân tộc thuộc địa, vì vậy, tư tưởng đoàn kết dân tộctrong mặt trận dân tộc thống nhất chưa thật sự được quan tâm.
"Hồ Chí Minh không những "đứng ở đỉnh cao hai cực" dân tộc và giai cấp mà còn lấp đầy khoảng giữa"[1]. Sinh ra và hoạt động cách mạng trong điều kiện một nước thuộc địa nửa phong kiến. Ở đây, mâu thuẫn dân tộc bao trùm, chi phối những mâu thuẫn khác, kể cả các mâu thuẫn giai cấp. Cho nên, Người đã nhận thức đầy đủ sức mạnh nội sinh của dân tộc, mà hạt nhân là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Hồ Chí Minhđi theo chủ nghĩa Mác-Lênin, nắm vững quan điểm lịch sử cụ thể, đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, Ngườiđã bổ sung yếu tố thực tiễn cách mạng thuộc địa vào kho tàng lý luận Mác- Lênin, làm phong phú, sáng tỏ hơn vấn đề dân tộc mà ở thời đại mình,C.Mác chưa có điều kiện nắm bắt. Do đó, tư tưởng đại đoàn kết củaHồ Chí Minh là:
"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công!"
Trước hết là đoàn kết trong Đảng, trong Đảng đoàn kết thống nhất là hạt nhân để thực hiện đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, thì cách mạng sẽ thành công và đại thành công, hiện thực mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội loài người. Hồ Chí Minh không chỉ thấy sự cần thiết giai cấp vô sản tất cả các nước đoàn kết lại; giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại, mà đặc biệt Người đã xây dựng hệ thống lý luận vềmặt trận dân tộc thống nhất chứađựng nhiều quan điểm vềđại đoàn kết, đặc biệt là đại đoàn kết dân tộc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mặt trận dân tộc thống nhất bảo đảm tính bền vững, rộng rãi, lâu dài, là ngọn cờ tập hợp mọi giai tầng xã hội vào một khối thống nhất, đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Về xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, Hồ Chí Minh yêu cầu, phải lấy liên minh công - nông - trí thức làm nền tảng. Liên minh công - nông - trí thức có vững, mặt trận mới bền vững, lâu dài được. Đây là yếu tố cần. Còn yếu tố đủ là mặt trận phải đoàn kết với các tầng lớp yêu nước khác để mở rộng tổ chức, mở rộng khối đại đoàn kết.Mặt trận do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Đảng lãnh đạo mặt trận bằng việc đề ra chính sách mặt trận đúng đắn, phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn của cuộc cách mạng; bằng phương pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục; thông qua tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên. Đảng phải thể hiện sự lãnh đạo đó theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ. Đảng tổ chức và xây dựng mặt trận phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn của cách mạng. Quan điểm của Người về xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất được Đảng ta vận dụng và phát triển để xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân tộc, giành nhiều thắng lợi mới trong tình hình hiện nay.
2. Tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng Việt Nam, là động lực chủ yếu làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, quan điểm đại đoàn kết của Đảng ta luôn dựa trên nền tảng tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh và truyền thống dân tộc. Trước hết, đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, nguồn lực to lớn và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hai, lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Ba, bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích toàn xã hội; thực hiện dân chủ gắn liền với kỷ cương, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; không ngừng bồi dưỡng, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường xây dựng đất nước. Bốn, đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là tổ chức Đảng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Năm, thực hiện nhất quán đường lối đoàn kết quốc tế độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, với phương châm: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình phát triển.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam 90 năm qua là hiện thực sinh động khẳng định nội dung phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là một bài học, nguyên tắc căn bản trong đường lối cách mạng của Đảng. Sự đoàn kết đồng lòng của cả dân tộc chính là nguồn lực mạnh mẽ đưa đất nước vượt qua nhiều thời điểm khó khăn, khắc nghiệt, để lại những dấu ấn hào hùng trong lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới."Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đoàn kết trong Mặt trận Liên - Việt, nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, lập lại hòa bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc. Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân ta đã giành được thắng lợi trong công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc"[2].Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng mở rộng và tiếp tục phát triển, góp phần động viên toàn dân làm nênđại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chấm dứt 21 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới toàn diện đất nước hiện nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục nêu cao chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc trong một mặt trận thống nhất - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tư tưởng "đại đoàn kết", "lấy dân làm gốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt các kỳ Đại hội của Đảng, được coi là nhân tố quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cương lĩnhxây dựng đất nước trong thờikỳquá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã tổng kết 5 bài học lớn của cách mạng Việt Nam, trong đó có bài học: "Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn Kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế"[3]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIcủa Đảng một lần nữa nhấn mạnh: "Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc"[4].
Nhận thức đầy đủ và sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài. Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW (15/5/2016) của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 108-HD/BTGTW (04/12/2019) về "Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"là chuyên đề học tập, làm theo Bác trong năm 2020. Khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là bài học có tính quy luật, là đường lối chiến lược, là nguồn lực to lớn quyết định sự nghiệp cách mạng Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"./.
ThS. Nguyễn Thị Minh
Khoa Xây dựng Đảng
[1] Phạm Ngọc Anh (Chủ biên), Hỏi và đáp môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh, ST, H, 2011, tr.124
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, CTQG, H, 2011, tr.452
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, tr.65.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc ỈM thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2016, tr.158.