Cách nói, cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý đào tạo tại Trường Chính trị tỉnh Long An
CÁCH NÓI, CÁCH VIẾT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
- VẬN DỤNG TRONG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ ĐÀO TẠO
TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH LONG AN
Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn của nhân loại, Người là hiện thân cao đẹp của giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chỉ dẫn, giáo dục, rèn luyện cách nói, cách viết cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện cách nói, cách viết cho cán bộ, đảng viên, mà bản thân Người luôn mẫu mực rèn luyện cách nói, cách viết với mục đích duy nhất là để phục vụ Nhân dân, làm sao cho Nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Thực tế cho thấy, từ những vấn đề lớn lao của cách mạng đến những vấn đề thường nhật, qua cách lý giải của Người thì dù trí thức hay nông dân, ở thành thị hay nông thôn, vùng biển, vùng núi, dù học vấn, văn hóa, tâm lý khác nhau, vẫn đều có thể hiểu được và làm theo được. Đúng như một nhà báo nước ngoài đã nhận xét về Người, đại ý, không bao giờ ông tỏ ra vẻ thông thái, tuy ông thông thạo bảy thứ tiếng khác nhau và nói được rất nhiều thổ ngữ. Ông chỉ dùng những câu nôm na, người quê mùa chất phác nhất cũng hiểu.
Việt Nam là một dân tộc trọng tình, trọng nghĩa, Nhân dân Việt Nam rất xem trọng "lời ăn, tiếng nói". Hơn ai hết, mỗi cán bộ đảng viên phải hiểu rõ và tôn vinh truyền thống đó, và tự bản thân mỗi người phải gương mẫu học tập, điều chỉnh "lời ăn, tiếng nói" cho xứng đáng là những người cán bộ của một dân tộc coi trọng văn hóa ứng xử. Đối với người bình thường, việc nói, viết biểu hiện phẩm chất, năng lực của họ; nhưng đối với cán bộ đảng viên, việc nói, viết không chỉ biểu hiện phẩm chất, năng lực mà còn tác động quan trọng đến hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý. Bởi vậy, muốn thành tâm phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân tốt hơn, mỗi người cần chú tâm rèn luyện cách nói, cách viết theo những chỉ dẫn thiết thực của Bác Hồ để có thể hoạt động, công tác ngày càng có hiệu quả cao hơn.
Trong "Hồ Chí Minh toàn tập", tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" là một tác phẩm lý luận kinh điển nổi tiếng thể hiện nét rất riêng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong tác phẩm, ở mục VI - Chống thói ba hoa, Người viết: "Chúng ta chống bệnh chủ quan, chống bệnh hẹp hòi, đồng thời cũng phải chống thói ba hoa. Vì thói này cũng hại như hai bệnh kia. Vì ba thứ đó thường đi với nhau. Vì thói ba hoa còn, tức là bệnh chủ quan và bệnh hẹp hòi cũng chưa khỏi hẳn"[1].
Người chỉ ra những biểu hiện của thói ba hoa là dài dòng, rỗng tuếch; cầu kỳ; khô khan, lung túng; lụp chụp, cẩu thả; sáo cũ; hay nói chữ[2]. Về "Cách chữa thói ba hoa", Người chỉ ra 5 liều thuốc và yêu cầu mọi người phải hiểu, phải nhớ, phải thực hành: "1. Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. 2. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu. 3. Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? 4. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. 5. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói. Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần.
Làm được như thế - đảng viên và cán bộ ta quyết phải làm như thế - thì thói ba hoa sẽ bớt dần dần cho đến khi hoàn toàn hết sạch mà công việc của Đảng, tư cách của cán bộ và đảng viên sẽ do đó mà tăng thêm."[3].
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/05/2016 của Bộ Chính trị khóa XII Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cán bộ, đảng viên, và đặc biệt là các chuyên viên và người lao động Trường Chính trị Long An nói chung và các chuyên viên Phòng Đào tạo nói riêng đã vận dụng khá tốt cách nói, cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác cũng như cách ứng xử giao tiếp hằng ngày.
Đối với chuyên viên Phòng Đào tạo của Trường, luôn cố gắng phát huy cách nói, cách viết bình dân nhất: nói và viết làm sao để người đang giao tiếp dễ nghe, dễ đọc và dễ hiểu; cách nói thể hiện sự chừng mực, gẫn gũi. Luôn nở nụ cười thân thiện, chào hỏi lịch sự tạo cảm tình trước cuộc giao tiếp và trong quá trình giải quyết vấn đề giữa chuyên viên quản lý với học viên. Lắng nghe nội dung trao đổi, từ đó nắm vững nội dung nói, viết một cách chân thực để có những cách xử lý kịp thời và phù hợp.
Bên cạnh những ưu điểm trên, cũng xuất hiện một số khuyết điểm nhỏ như: một số chuyên viên trong phòng đôi khi còn sử dụng "văn phong chưa phù hợp" trong giao tiếp và hoàn cảnh; trong công tác quản lý đào tạo, có lúc còn diễn đạt dài dòng, chưa diễn đạt được ý cần nói, cần viết gây khó hiểu cho người đang giao tiếp.
Để khắc phục những khuyết điểm trên, theo tôi các chuyên viên Phòng Đào tạo cần:
Thứ nhất, khi nói và viết thì nội dung phải thật sự thiết thực, phải làm sao để mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ tư tưởng cần diễn đạt, phải thật dễ nghe, dễ hiểu; phải suy nghĩ thấu đáo để lựa chọn, xem xét những nội dung cần nói, cần viết, hết sức tránh quan liêu, tùy tiện, chủ quan.
Để nói, viết có tính thuyết phục và được mọi người quan tâm chú ý, tin tưởng, thì nội dung những bài viết (ví dụ: tin bài khai giảng, bế giảng các lớp, tin hoạt động, bài nghiên cứu khoa học,...), bài nói (trong các hội thảo, diễn đàn, ...) của các chuyên viên Phòng Đào tạo phải hết sức khách quan, trung thực, luôn tôn trọng sự thật, phản ánh đúng sự thật; phải có tác dụng nâng cao nhận thức, hướng dẫn hành động. Các thông tin trong công tác quản lý đào tạo phải cập nhật thường xuyên để đảm bảo tính chính xác, tránh tình trạng "nói khống, viết khống".
Thứ hai, phải luôn tránh cách nói, cách viết cầu kỳ khó hiểu, dùng chữ nước ngoài không đúng lúc; phải rèn luyện cách nói, cách viết sao cho linh hoạt, phù hợp với từng nội dung và thích hợp với từng đối tượng; nhiều khi cùng một nội dung nhưng cách truyền đạt cho mỗi đối tượng lại đòi hỏi phải khác nhau.
Muốn vậy, trong giao tiếp hằng ngày, trong cách nói, cách viết cần tập trung chọn lọc thông tin kỹ càng, tùy theo đối tượng giao tiếp mà lựa chọn cách nói, cách viết – hay nói cách khác là "lựa chọn ngôn phong, văn phong" sao cho phù hợp. Sau mỗi bài viết, bài nói cần xem đi xem lại nhiều lần, có thể nhờ các chuyên viên khác xem qua và góp ý để hoàn thiện tốt hơn.
Thứ ba, và đây cũng là một điều rất quan trọng, đó là cần quan tâm, bồi dưỡng cách nói, cách viết không chỉ riêng cho các chuyên viên Phòng Đào tạo mà còn cho cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà trường.
Ai bồi dưỡng? Bồi dưỡng bằng cách nào và như thế nào? – đó là những câu hỏi mà chúng ta quan tâm. Như vậy:
Để trả lời cho câu hỏi: "Ai bồi dưỡng?, trả lời: trước hết là tự mỗi cá nhân, tự bản thân mỗi người phải tự trau dồi; tự học hỏi cách nói, cách viết giản dị, gần gũi, cần nói thật dễ nghe, dễ hiểu, không nói vòng vo, tránh sự lặp đi lặp lại câu từ, gây khó hiểu cho người giao tiếp trực tiếp; cách viết ngắn gọn, xúc tích, thể hiện đủ lượng thông tin yêu cầu; nội dung bài viết, bài nói cần chọn lọc kỹ trước khi nói và viết để tránh gây sự nhàm chán, tạo cảm hứng cho người đọc, người nghe.
"Bồi dưỡng bằng cách nào và như thế nào?" – Bồi dưỡng bằng cách học tập các anh chị đồng nghiệp trong phòng, các thầy cô và các đồng nghiệp xung quanh và mọi người trong giao tiếp hằng ngày, trong công việc, trong gia đình và ngoài xã hội. Luôn cởi mở và hòa đồng với mọi người. Bồi dưỡng mọi lúc, mọi nơi. Có thể đọc các bài viết, bài nói của đồng nghiệp để tham khảo, học hỏi; dễ dàng nhất là đọc các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh – bởi vì các tác phẩm của Người luôn dùng cách viết gần gũi nhất, bình dị nhất, không hề nặng nề hay cầu kỳ hoa mỹ mà ai đọc cũng hiểu.
Như vậy, việc nghiên cứu học tập cách nói, cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng phong cách diễn đạt, hoàn thiện kỹ năng giao tiếp đối với chuyên viên Phòng Đào tạo và trong công tác đào tạo ở Trường Chính trị tỉnh Long An là biện pháp thiết thực để vận dụng vào thực tiễn công tác và cuộc sống, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Thị Thùy Ngân
Phòng Đào tạo
[1]Hồ Chí Minh:Toàn tập: Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.536.
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập: Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.536-539.
[3]Hồ Chí Minh:Toàn tập: Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.542 – 543.