image banner
Tìm hiểu một số quy định trong Bộ luật Hồng Đức về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ

​TÌM HIỂU MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG BỘ LUẬT HỒNG ĐỨC
VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA PHỤ NỮ

       Bộ luật Hồng Đức là một tên gọi khác của Bộ Quốc triều hình luật (Lê triều hình luật) được khởi xướng và cho ban hành đầu tiên từ thời vua Lê Thái Tổ, nhưng người có công lao chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện lớn nhất là vua Lê Thánh Tông – vị vua hiền tài và anh minh trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

       Bộ luật Hồng Đức là một công trình pháp luật tiêu biểu, nổi bật nhất, quan trọng nhất và có vai trò rất đặc biệt nhất trong lịch sử pháp quyền phong kiến Việt Nam. Trong bản lưu đến ngày nay, Bộ luật gồm 722 điều, chia làm 06 quyển với 13 chương bao gồm: 1)Chương Danh lệ có 49 điều quy định về những vấn đề cơ bản có tính chất chi phối nội dung các chương điều khác (quy định về thập ác, ngũ hình, bát nghị, chuộc tội bằng tiền v.v);2)Chương Vệ cấm có 47 điều quy định về việc bảo vệ cung cấm, kinh thành và các tội về cấm vệ; 3)Chương Vi chế có144 điều quy định về hình phạt cho các hành vi sai trái của quan lại, các tội về chức vụ; 4)Chương Quân chính có 43 điều quy định về sự trừng phạt các hành vi sai trái của tướng, sĩ, các tội quân sự; 5)Chương Hộ hôn có 58 điều quy định về hộ tịch, hộ khẩu, hôn nhân-gia đình và các tội phạm trong các lĩnh vực này; 6)Chương Điền sản có 59 điều, trong đó 32 điều ban đầu và 27 điều bổ sung sau (14 điều về điền sản mới tăng thêm, 4 điều về luật hương hỏa, 9 điều về châm chước bổ sung luật hương hỏa) quy định về ruộng đất, thừa kế, hương hỏa và các tội phạm trong lĩnh vực này; 7)Chương Thông gian có 10 điều quy định về các tội phạm tình dục; 8)Chương Đạo tặc có 54 điều quy định về các tội trộm cướp, giết người và một số tội chính trị như phản nước hại vua; 9)Chương Đấu tụng có 50 điều quy định về các nhóm tội đánh nhau (ẩu đả) và các tội vu cáo, lăng mạ,…; 10)Chương Trá ngụy có 38 điều quy định các tội giả mạo, lừa dối; 11)Chương Tạp luật có 92 điều quy định về các tội không thuộc các nhóm tội danh trên đây; 12)Chương Bộ vong có 13 điều quy định về việc bắt tội phạm chạy trốn và các tội thuộc lĩnh vực này; 13)Chương Đoán ngục có 65 điều quy định về việc xử án, giam giữ can phạm và các tội phạm trong lĩnh vực này.

       Nội dung của Bộ luật thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng của vua Lê Thánh Tông trong viêc trị nước, an dân, có phạm vi điều chỉnh rộng, là những quan hệ xã hội nảy sinh trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được thể hiện bằng những quy định về hình sự, dân sự, hôn nhân – gia đình, quân sự, hành chính,…Mặc dù bị hạn chế bởi những quan điểm giai cấp lúc bấy giờ nhưng trong Bộ Luật Hồng Đức đã có những điều luật quy định nhằm quyền lợi, khẳng định địa vị của người phụ nữ trong các lĩnh vực như hôn nhân – gia đình và thừa kế, sở hữu tài sản,…. Cụ thể như sau:

       Thứ nhất, về quan hệ hôn nhân

       Một là, lần đầu tiên trong Bộ Luật Hồng Đức, người phụ nữ được pháp luật quy định một quyền đặc biệt là "quyền được bỏ chồng" tại Điều 308 quy định phàm chồng đã bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại ( vợ được trình với quan sở tại và xã quan làm chứng) thì mất vợ, nếu đã có con thì gia hạn 01 năm, đối với những người công sai đi xa không áp dụng luật này, trường hợp đã thôi vợ mà cản trở người khác cưới vợ cũ thì xử biếm.

       Hai là, mặc dù trong xã hội phong kiến, quan hệ hôn nhân là do cha mẹ sắp đặt, định đoạt, người phụ nữ hiếm khi được quyền quyết định hôn nhân của mình nhưng quyền lợi của người phụ nữ được quy định và người chồng phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình đối với vợ, với gia đình vợ bằng quy định tại Điều 322 quy định con gái hứa gả chồng mà chưa thành hôn, nếu người con trai bị ác tật hay phạm tội hoặc phá tán gia sản thì cho phép người con gái được kêu quan mà trả đồ lễ…. hoặc con rể lăng mạ cha mẹ vợ mà đem thưa quan thì sẽ cho ly dị.Quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng sau khi ly hôn hoàn toàn chấm dứt, hai bên đều có quyền kết hôn với người khác mà không bị pháp luật ngăn cấm theo quy định tại điều 167.

       Ba là, Bộ Luật cũng quy định một số biện pháp xử phạt áp dụng cho những người cưỡng ép phụ nữ kết hôn như tại điều 320 quy định sau khi mãn tang chồng nhưng người vợ thủ tiết, nếu ngoài ông bà, cha mẹ, kẻ nào khác gả ép người phụ nữ đó thì bị biếm ba tư và buộc phải ly dị hoặc tại điều 338 cũng quy định rõ những nhà quyền thế mà ức hiếp để cưới con gái lương dân thì xử phạt, biếm hay đồ.

       Bốn là, người chồng không được ngược đãi vợ, theo quy định tại điều 482 người chồng đánh vợ bị thương thì xử như tội đánh người bị thương nhưng nhẹ hơn 3 bậc, nếu đánh chết thì xử như tội đánh chết người nhưng nhẹ hơn 3 bậc, tiền đền mạng bớt 3 phần, trường hợp cố ý giết vợ thì giảm một bậc tội; nếu có tội bị chồng đánh, không may chết thì xử riêng và trường hợp người chồng đánh vợ bé bị thương, sứt gãy trở lên thì nhẹ tội hơn đánh vợ 2 bậc.

       Năm là, để duy trì sự thịnh vượng của gia đình thì Luật vẫn duy trì chế độ đa thê nhưng phải đảm bảo trật tự thê thiếp, giữa người vợ cả (chính thất) với vợ lẻ (thứ thất) và với nàng hầu (thiếp). Theo đó, mỗi người đàn ông chỉ được có một người vợ cả, khi có vợ cả rồi thì mới được lấy vợ lẻ hoặc thiếp. Nếu vợ cả còn sống mà lấy vợ khác làm chính thất thì hôn nhân sau bị coi là vô hiệu. Việc thừa nhận chế độ đa thê tất yếu sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người vợ nhưng với quy định như trên là một trong những biện pháp góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho một gia đình hòa thuận.

       Thứ hai, bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ trong một số trường hợp và xử phạt nghiêm khắc đối với những người làm trái quy định.

       Điều 680 quy định người đàn bà phạm tội tử hình trở xuống, nếu đang mang thai thì phải đợi sau khi sinh đẻ 100 ngày mới đem hành hình, nếu chưa sinh mà đem hành hình thì ngục quan bị biếm hai tư, ngục lại bị tội đồ làm bản cục đinh, trường hợp đã sinh nhưng chưa hết hạn 100 ngày mà hành hình thì ngục quan và ngục lại bị xử biếm hay bị phạt, nếu khi chưa sinh mà thi hành tội đánh roi thì ngục quan bị phạt 20 quan tiền, ngục lại bị đánh 80 trượng và nếu do đánh roi đưa đến trọng thương hay chết thì xử vào tội "quá tất sát thương" (lỡ tay giết người, làm bị thương người).

       Điều 403 và 404 quy định xử rất nặng đối với những trường hợp xâm phạm thân thể, tiết hạnh của người phụ  nữ, cụ thể là kẻ nào hiếp dâm thì xử lưu hay chết và phải nộp tiền tạ tội hơn một bậc đối với tiền tạ tội gian dâm thường. Nếu gây thương tích cho người đàn bà thì xử nặng hơn một bậc đánh người bị thương.
Nếu làm chết người đàn bà thì điền sản kẻ phạm tội phải giao cho nhà người bị chết. Đặc biệt, trường hợp  gian dâm với con gái nhỏ 12 tuổi trở xuống, dù có thuận tình thì vẫn xử như tội hiếp dâm.

       Thứ ba, giảm nhẹ hình phạt khi phụ nữ phạm một số tội như đối với tội tội ăn trộm, ăn cướp. Theo quy định tại  điều 429 thì ăn trộm có cầm khí giới thì xử tội ăn cướp và có giết người thì xử tội giết người, đàn bà được giảm tội, hoặc điều 441 cũng quy định trường hợp đầy tớ ăn trộm đồ của chủ, nếu là tớ gái thì được giảm tội và
điều 450 quy định kẻ lạ vào vườn người ta thì xử biếm, đàn bà được giảm một bậc.

       Thứ tư, quyền lợi trong sở hữu tài sản và thừa kế tài sản

       Bộ luật Hồng Đức đã có sự ghi nhậnmột cách bình đẳng sự đóng góp của người vợ trong tài sản chung của vợ chồng và bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản do hai vợ chồng làm ra. Cụ thể tại các điều 374, 375 và 376 về tài sản của vợ chồng được hình thành từ 3 nguồn gồm tài sản của chồng thừa kế từ gia đình nhà chồng, tài sản của người vợ thừa kế từ gia đình nhà vợ và tài sản do hai vợ chồng tạo dựng trong quá trình hôn nhân (tài sản chung). Khi gia đình tồn tại, tất cả tài sản được coi là của chung. Khi ly hôn, tài sản của ai, người đó được nhận riêng và chia đôi tài sản chung của hai người. Ngoài ra, Bộ Luật cũng ghi nhận 02 hàng thừa kế và phân chia tỉ lệ cụ thể người vợ được hưởng thừa kế để đảm bảo cuộc sống hết đời.

       Trong thừa kế ruộng hương hỏa, Điều 388, 391 quy định rõ nếu cha mẹ mất thì lấy 1/20 số ruộng đất làm phần hương hỏa, giao cho người con trưởng giữ, còn lại chia đều cho các con , người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng, ruộng hương hỏa giao cho con trai, cháu trai, nếu không có thì giao cho cháu gái ngành trưởng.

       ​Tóm lại, một số quy định trong Bộ Luật Hồng Đức về bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ đều thể hiện đậm nét tính nhân văn của dân tộc Việt Nam. Nghiên cứu, tìm hiểu những giá trị, tư tưởng tiến bộ trong Bộ luật Hồng Đức có ý nghĩa rất quan trọng quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay./.

ThS. Nguyễn Thị Huyền Hương
 Khoa Xây Dựng Đảng

image advertisement
THÔNG TIN ĐÀO TẠO
Thư viện ảnh
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1