Giới thiệu các luật được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 3 (từ ngày 23/5 đến ngày 16/6/2022)
GIỚI THIỆU CÁC LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
KHÓA XV THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 3 (từ ngày 23/5 đến ngày 16/6/2022)
Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã tiến hành kỳ họp thứ 3 từ ngày 23 tháng 5 đến ngày 16 tháng 6 năm 2022. Sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, xem xét, quyết định các nội dung quan trọng năm 2022, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua các Luật mới bao gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thi đua khen thưởng; Luật Điện ảnh; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể như sau:
1. Luật Thi đua khen thưởng
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 gồm 8 chương, 96 điều, thay thế Luật Thi đua, khen thưởng 2003, Luật Thi đua, Khen thưởng sửa đổi 2005, Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng. . Luật áp dụng đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình người Việt Nam; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài;cá nhân, tập thể người nước ngoài. Luật có 8 nhóm điểm mới chủ yếu, gồm: Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; Thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng "tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích" trước đây; đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thiết thực, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến).
2. Luật Cảnh sát cơ động
Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 gồm 05 chương và 33 điều, thay thế Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023, với các nội dung chủ yếu về: nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; Quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động; Điều khoản thi hành. Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; khắc phục những khó khăn, bất cập, hạn chế của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động; đồng thời, luật cũng phát triển, bổ sung các quy định mới nhằm thể hiện tính đặc thù của Cảnh sát cơ động, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi được ban hành.
3. Luật Kinh doanh Bảo hiểm
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi ) đã được thông qua với 7 chương, 157 điều quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh. Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng; Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đặc biệt là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết ngày 20/6/2019, có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, Việt Nam đã cho phép doanh nghiệp tái bảo hiểm của Liên minh châu Âu thành lập chi nhánh tái bảo hiểm tại Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày Hiệp định thương mại có hiệu lực. Để chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.
4. Luật Sở hữu trí tuệ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Luật sửa đổi, bổ sung 102 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 11 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 2), trong đó có 14 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 6 điều. Luật đã được sửa đổi nhiều nội dung theo hướng quy định rõ ràng và chi tiết hơn, với việc trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì trực tiếp tại Luật, qua đó nhằm mục đích khuyến khích biến các kết quả nghiên cứu thành các tài sản được bảo hộ quyền SHTT, tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản này trên thị trường được hiệu quả hơn. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo các hiệp định và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
5. Luật Điện ảnh
Luật Điện ảnh năm 2022 gồm 8 chương, 50 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023, thay thế Luật Điện ảnh năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2009/QH12, Luật số 35/2018/QH12, Luật số 61/2020/QH12. Luật năm 2022 quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh; một số điểm mới cơ bản về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; phát triển nguồn nhân lực điện ảnh; phổ biến phim trên không gian mạng và quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhằm xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa - xã hội, bảo đảm tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật./.
ThS. Trần Lâm Phương
Khoa Nhà nước và Pháp luật