image banner
Giới thiệu những điểm mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019

​GIỚI THIỆU NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU
CỦA LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT 2020
VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ
VÀ LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 2019

       1. NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT 2020

       Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020 (Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020) được Quốc hội Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi, bổ sung  54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015), trong đó có những nội dung cơ bản như sau:

       Thứ nhất, bổ sung thêm văn bản QPPL vào hệ thống văn bản QPPL

       Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 bổ sung thêm hai loại văn bản QPPL gồm: Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. 

       Thứ hai, quy định về thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

       Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL là phản biện xã hội được thực hiện trong giai đoạn lấy ý kiến về dự thảo văn bản QPPL và trường hợp dự thảo văn bản QPPL được phản biện xã hội thì hồ sơ dự án, dự thảo gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền phải bao gồm văn bản phản biện xã hội.

       Thứ ba, mở rộng thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã

       Theo đó, HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL như sau:HĐND cấp huyện ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định; HĐND cấp xã ban hành nghị quyết, UBND cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao (Luật năm 2015 quy định HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện, cấp xã chỉ ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao).

       Thứ tư, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Cụ thể:

       Một là, tăng cường trách nhiệm của Hội đồng dân tộc và Ủy ban của Quốc hội trong thẩm tra dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội như Hội đồng dân tộc có trách nhiệm tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra để bảo đảm chính sách dân tộc khi dự án, dự thảo đó có quy định liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi; Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phải thẩm tra Dự án, dự thảo trước khi trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; trách nhiệm chủ trì thẩm tra dự án, dự thảo thuộc lĩnh vực do mình phụ trách và dự án, dự thảo khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao; có trách nhiệm tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do cơ quan khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra về những nội dung liên quan đến lĩnh vực do mình phụ trách, gửi văn bản tham gia thẩm tra đến cơ quan chủ trì thẩm tra và cử đại diện tham dự phiên họp thẩm tra của cơ quan chủ trì thẩm tra.

       Hai là, trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết như cơ quan trình phải có ý kiến bằng văn bản về những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cơ quan trình đánh giá tác động của chính sách trong trường hợp đại biểu Quốc hội, Nhân dân đề nghị bổ sung và theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức Hội nghị đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách đối với dự án, dự thảo có những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau; Tổng thư ký Quốc hội tổ chức tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ quốc hội và gửi cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình; trách nhiệm phối hợp của Bộ Tư pháp với cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình và Ủy ban Pháp luật để nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đòng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

       Thứ năm, quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản QPPL

Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản QPPL được quy định tại văn bản đó, cụ thể: không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với văn bản QPPL của cơ quan nhà nước ở trung ương; 10 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh ( Luật 2015 quy định không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh);  07 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã ( Luật năm 2015 quy định không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã). Văn bản QPPL ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua/ký ban hành.

       Thứ sáu, bổ sung 03 trường hợp xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn và thẩm quyền quyết định việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn như: trường hợp cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.".

       Bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn ; bổ sung thẩm quyền quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

       2. NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ VÀ LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 2019 (Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019)

       Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019) được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định 05 nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và 33 nội dung sửa đổi Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 (Luật 2015), trong đó có những nội dung cơ bản như sau:

       Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015

       Một là, bổ sung thẩm quyền của Chính phủ

       Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 bổ sung thẩm quyền của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức. Chính phủ quy định về tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quy định về số lượng cấp phó tối đa của đơn vị thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định về phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

       Đồng thời Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 thay thế cụm từ "bất thường" bằng cụm từ "chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất" trong hình thức hoạt động của Chính phủ.

       Hai là, bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ

       Chỉ đạo việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;"; Quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định thành lập hội đồng, Ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.".

       Ba là, sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

       Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 bổ sung thêm thẩm quyền trong cho "từ chức" và "biệt phái" và "điều động, luân chuyển, biệt phái" đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý; quyết định cụ thể số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị.

       Thứ hai, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015

       Một là,sửa đổi quy định Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân" thành Chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

       Hai là, về đại biểu HĐND, bổ sung tiêu chuẩn của đại biểu HĐND là "có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam"; quy định rõ khung số lượng đại biểu HĐND từng loại hình đơn vị hành chính theo hướng giảm từ 10% đến 15% số lượng đại biểu HĐND so với Luật Tổ chức Chính quyền địa phương 2015.Cụ thể:

       - Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương: Thành phố trực thuộc trung ương có từ 01 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 01 triệu dân thì có không quá 85 đại biểu (trước là 95 đại biểu); Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có 95 đại biểu (trước là 105 đại biểu).

       - Hội đồng nhân dân tỉnh: Tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 500.000 dân trở lên có tối đa 75 đại biểu (trước là 85 đại biểu); Tỉnh còn lại có từ 01 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 01 triệu dân trở lên được bầu không quá 85 đại biểu (trước là 95 đại biểu).

       - Hội đồng nhân dân quận: Quận có từ 100.000 dân trở xuống được bầu 20 đại biểu; có trên 100.000 dân được bầu tối đa 45 đại biểu (trước là 40 đại biểu nếu có trên 80.000 dân);

       - Hội đồng nhân dân huyện: Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40.000 dân trở xuống được bầu 35 đại biểu; trên 40.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu); Huyện còn lại có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; trên 80.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu).

       - Hội đồng nhân dân xã: Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2000 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu; Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 2000 dân đến dưới 3000 dân được bầu 19 đại biểu (trước là 20 đại biểu); Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có 3000 dân được bầu 21 đại biểu; có trên 3000 thì được bầu tối đa 30 đại biểu (trước là 35 đại biểu); Xã còn lại có từ 5000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 5000 dân được bầu tối đa 30 đại biểu (trước là 35 đại biểu).

       - Hội đồng nhân dân phường: Phường có từ 10.000 dân trở xuống được bầu 21 đại biểu (trước có 8.000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu); Phường có trên 10.000 dân được bầu tối đa 30 đại biểu (trước có 8.000 dân trở lên được bầu 35 đại biểu).

       Ba là, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.

       Bốn là, sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức và quyền hạn của Hội đồng nhân dân như:

       Về tổ chức: bỏ quy định Chánh Văn phòng trong Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quy định rõ số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (nếu Chủ tịch hoạt động chuyên trách thì có 01 Phó Chủ tịch; nếu Chủ tịch hoạt động không chuyên trách thì có 02 Phó Chủ tịch). Giảm 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện (từ 02 người xuống còn 01 người). Bổ sung Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp xã là Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã. Trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách thì có một Phó Trưởng ban; nếu Trưởng ban hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó Trưởng ban.

       Về thẩm quyền, bổ sung thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của cấp xã (do UBND cấp xã xây dựng) trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

       Năm là, về cơ cấu tổ chức của UBND: bổ sung Uỷ ban nhân dân cấp xã loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch (luật năm 2015 quy định UBND cấp xã loại II chỉ có 01 Phó Chủ tịch).

       Đồng thời Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 thay thế cụm từ "bất thường" bằng cụm từ "chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất" trong hình thức hoạt động của HĐND và UBND./.

ThS. Trần Lâm Phương
Khoa Nhà nước và Pháp luật


image advertisement
THÔNG TIN ĐÀO TẠO
Thư viện ảnh
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1