image banner
Phụ nữ Trường Chính trị tỉnh Long An làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

PHỤ NỮ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH LONG AN
LÀM THEO LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

    Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của phụ nữ Việt Nam trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Người xác định phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Người đề nghị Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành phải đặc biệt chú ý, cất nhắc phụ nữ vào đúng những vị trí, chức vụ phù hợp với khả năng để chị em có điều kiện phát huy năng lực của mình.

    1. Bác Hồ mong muốn giải phóng phụ nữ và đánh giá cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội

    Xuất phát từ lòng nhân ái bao la và sự đồng cảm sâu sắc với nỗi đau khổ mà người phụ nữ phải gánh chịu dưới chế độ thực dân, phong kiến nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”. Người xác định: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”[1]. Trong Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Người viết: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”[2]. Bức thư ấy được đăng tải toàn văn trên Báo Nhân Dân, số 49, ngày 13-3-1952. Nội dung thư đã nêu bật vai trò to lớn của phụ nữ trong cuộc kháng chiến của toàn dân tộc, các bà, các mẹ, các chị đã xung phong đi dân công, giúp thương binh, hòa lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ thành mối yêu thương không bờ bến. Người yêu cầu các cấp lãnh đạo đi sát hơn, thiết thực hơn với phong trào phụ nữ để phong trào ấy chắc hơn, rộng hơn, mạnh hơn. Đồng thời người giao nhiệm vụ cho phụ nữ trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ: Phải thắt chặt đoàn kết, thi đua tăng gia sản xuất, tiết kiệm, tích cực tham gia chính quyền, giúp đỡ bộ đội, bảo vệ nhi đồng...

    Cùng với việc đánh giá cao sự đóng góp của phụ nữ trong kháng chiến, trong xây dựng đất nước, Bác căn dặn phụ nữ cần phải luôn cố gắng hơn nữa: “…Tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ty và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật (…) Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị người làm chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”[3]. Ngày 9-3-1961, khi nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần III, Bác dặn dò phụ nữ phải nhận rõ địa vị làm chủ của mình: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta”[4].

    Tại Đại hội liên hoan Phụ nữ “Năm tốt” (ngày 30/4/1964), Bác mong muốn chị em phải tích cực thi đua, cố gắng học tập, phấn đấu vươn lên: Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập. Có như thế thì phong trào “Năm tốt” sẽ ngày càng lan rộng, ăn sâu và sẽ thực hiện 100% bình quyền, bình đẳng. Trước lúc đi xa, Người vẫn mong muốn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”[5]. Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước lúc đi xa, Người đã không quên nhắc tới phụ nữ Việt Nam: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[6].

    Những lời chỉ dạy, quan tâm của Người đối với phụ nữ từ khi ra đi tìm đường cứu nước, cho đến những lời di chúc để lại trước lúc đi xa, đều thể hiện tình cảm cao quý, lòng yêu mến và đánh giá cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Đó vừa là tình cảm, vừa là huấn thị thiêng liêng mà Bác dành cho phụ nữ Việt Nam.

    2. Phụ nữ Trường Chính trị tỉnh Long An làm theo lời Bác dạy

    Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, kế thừa và phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, các thế hệ phụ nữ Trường Chính trị tỉnh Long An đã tích cực học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Tính đến tháng 2 năm 2025, tổng số nữ viên chức và người lao động của Trường Chính trị tỉnh Long An là 20 trên tổng số 41 viên chức và người lao động của Trường (chiếm 48,78%). Các nữ viên chức công tác trong Trường Chính trị qua các thời kỳ và hiện nay đã không quản ngại khó khăn, vừa làm tốt thiên chức làm vợ làm mẹ trong gia đình, đồng thời luôn phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành chức trách, nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị được giao; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao nhiệm vụ chính trị Trường đề ra. Nhiều nữ viên chức đã trưởng thành trở thành lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, của nhà trường, khoa, phòng, là giảng viên giỏi cấp trường, đạt danh hiệu giảng viên xuất sắc Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; là phụ nữ 2 giỏi Giỏi việc nước, đảm việc nhà; đóng góp vào những thành tích chung của đơn vị.

    Tuy nhiên, so với tiềm năng, yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới, thời gian tới, để nữ viên chức tiếp tục phát triển các mặt, chúng ta cần thực hiện các giải pháp sau:

    Thứ nhất, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, viên chức trường nói chung, nữ viên chức nói riêng về công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ như truyền thống của Đảng, của dân tộc, của Phụ nữ Việt Nam. Chú trọng công tác tạo nguồn nữ cán bộ có tính chiến lược, bước đi phù hợp. Mặt khác, cũng cần quan tâm đến việc sắp xếp, bố trí công việc phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để nữ viên chức thể hiện hết năng lực, sở trường. Bố trí cán bộ phải xuất phát từ việc mà đặt người, tránh tình trạng nhìn người mà sắp xếp công việc.

     Thứ hai, chú trọng gắn phong trào thi đua Giỏi việc nước, đảm việc nhà với đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề toàn khóa của nhiệm kỳ Đại hội XIII “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của trường. Trên cơ sở đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của từng khoa, phòng, Trường tạo điều kiện, khuyến khích, động viên nữ viên chức tích cực học tập, rèn luyện, chủ động sắp xếp công việc một cách khoa học, tháo gỡ khó khăn, thi đua phấn đấu vừa khẳng định được vai trò, vị trí của nữ viên chức với việc xây dựng Trường ngày càng vững mạnh, vừa thực hiện tốt thiên chức của mình trong gia đình.

     Thứ ba, quan trọng hơn cả vẫn là sự tự phấn đấu của bản thân các nữ viên chức trường. Các nữ viên chức phải không ngừng phấn đấu hơn nữa trong việc nâng cao trình độ cũng như chuyên môn nghiệp vụ của mình. Đặc biệt, đối với nữ viên chức làm lãnh đạo quản lý Trường cũng cần rèn luyện các kỹ năng cần thiết của nhà lãnh đạo, nhất là khắc phục một số yếu điểm của giới mình trong công tác lãnh đạo, quản lý như thiếu tính mạnh mẽ, quyết đoán… Điều này là chìa khóa của thành công giúp phụ nữ phát huy được các thế mạnh của giới mình và khắc phục các yếu điểm còn tồn tại để tiềm năng, vị thế, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định cao trong xã hội.

     Tóm lại, thấm nhần lời dạy của Người, kỷ niệm 115 năm ngày thành lập Quốc tế phụ nữ (8/3/1910- 8/3/2025), nữ viên chức Trường Chính trị nguyện tiếp tục học tập, rèn luyện xứng đáng là những bông hoa tỏa ngát hương thơm trên mảnh đất giàu truyền thống trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”, đóng góp tích cực cùng các đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị đề ra./.

   ThS. Trịnh Thị Tươi
Khoa Xây dựng Đảng



[1] Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H, 2011, tập 13, tr.60-61.

[2] Hồ Chí Minh: toàn tập, NXB.CTQG, H, 2011, tập 4, tr.199.

[3][4] ­Hồ Chí Minh: toàn tập, sđd, tập 12, tr.507, 640.                                                                                                                                                                           

[5]­[6] ­Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 301, 342.

 

image advertisement
THÔNG TIN ĐÀO TẠO
Thư viện ảnh
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 30
  • Trong tuần: 393
  • Tất cả: 669,507