image banner
Một số giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề kiểm soát quyền lực hiện nay

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG
ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC HIỆN NAY

    Xuyên suốt thực tiễn lãnh đạo cách mạng, vấn đề kiểm soát quyền lực luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta quan tâm, chú trọng, đặc biệt là khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Bởi lẽ tha hóa quyền lực chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự sụp đổ của chế độ nhà nước ở nhiều quốc gia từ xưa đến nay.

    Quyền lực, hiểu một cách đơn giản, là khả năng gây ảnh hưởng đến người khác, điều khiển, bắt buộc người khác phải tuân theo yêu cầu dù muốn hay không. Như vậy, người có quyền lực là người có khả năng gây ảnh hưởng, sai khiến, điều khiển, bắt buộc người khác phải thực hiện yêu cầu của cá nhân mình.

    Phân tích kỹ nội hàm của quyền lực, có thể dễ dàng nhận thấy bản thân quyền lực luôn có hai yếu tố cân đối. Thứ nhất là quyền được điều khiển, sai khiến người khác. Thứ hai là sự chịu trách nhiệm cá nhân của người có quyền lực về hậu quả của sự điều khiển ấy. Hay nói cách khác, quyền lực là sự thống nhất biện chứng giữa lợi ích và trách nhiệm. Người có quyền lực có khả năng yêu cầu, bắt buộc người khác phải thực hiện theo những mệnh lệnh của mình thì đương nhiên họ cũng phải chịu trách nhiệm với hành vi của nhân viên cấp dưới do mình điều khiển.

    Trong thực tế hiện nay, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý thường quá chú trọng và tận dụng triệt để mặt lợi ích của quyền lực để phục vụ cho cá nhân mình, trong khi đó lại thiếu quan tâm hoặc cố tình xem nhẹ mặt trách nhiệm. Đây là lý do đơn giản nhất để giải thích vì sao nhiều cá nhân sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để có được quyền lực. Điều này cũng dẫn đến tình trạng chạy chức, chạy quyền, tranh giành quyền lực, là nguyên nhân chính gây mất đoàn kết, gây chia rẽ trong nội bộ. Chính vì vậy, cần phải kiểm soát quyền lực, đặc biệt là quyền lực chính trị, để cho quyền lực trở về với đúng giá trị và sứ mệnh của nó.

    Ở nước ta hiện nay chỉ duy nhất có một đảng lãnh đạo, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng chính là đại diện thực sự cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Trong bài báo Dân vận viết năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”[1]. Như vậy, quyền lực chính trị ở nước ta thực chất thuộc về nhân dân. Nhân dân giao quyền lực ấy cho những tổ chức, cá nhân mục đích cuối cùng cũng là để quay lại phục vụ nhân dân. Nếu cá nhân nào không làm đúng tôn chỉ đó, tức là đã sa vào tha hóa quyền lực.

    Thời gian qua, vấn đề kiểm soát quyền lực đã được Đảng và Nhà nước ta chú trọng triển khai thực hiện, với quyết tâm “nhốt quyền lực vào trong lồng thể chế”.

    Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), nhấn mạnh: Chúng ta đã xác định mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý thành cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội.

    Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 xác định: “Tổ chức và hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thống nhất quyền lực, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương” và “Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, với sự phân công rành mạch ba quyền đó”[2].

    Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng nêu rõ quan điểm: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”[3].

    Hiệu quả của việc kiểm soát quyền lực đã dẫn đến những thành tựu quan trọngnhững dấu ấn nổi bật của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian qua. Trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, song nền kinh tế nước ta vẫn phát triển, xã hội ổn định, đời sống của nhân dân được bảo đảm cơ bản, uy tín của đất nước trên trường quốc tế được nâng lên, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường.

    Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, kết quả đạt được, trong kiểm soát quyền lực chính trị vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm. Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn đánh giá về thực trạng hiện nay: Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” và “việc kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp[4].

    Chính vì vậy, để tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề kiểm soát quyền lực, thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

    Thứ nhất, Đảng tiếp tục lãnh đạo Nhà nước hoàn thiện về thể chế. Tha hóa quyền lực chỉ được nảy sinh trong một môi trường thể chế chưa hoàn thiện, có nhiều kẽ hở để trục lợi. Chính vì vậy, thời gian tới, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, quy định rõ lợi ích và trách nhiệm đối với từng vị trí, từng chức danh cụ thể. Tránh tình trạng khi có thành tích thì cán bộ vun vén lợi ích, khi có sai phạm lại đùn đẩy trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện quy trình, thủ tục của công tác cán bộ, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chạy chức, chạy quyền, không để những “con lươn, con chạch” có cơ hội chui sâu, leo cao trong hệ thống chính trị. Làm được điều này, việc kiểm soát quyền lực mới có đủ điều kiện, cơ sở để triển khai thực hiện một cách hiệu quả.

    Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên. Tha hóa quyền lực một phần do môi trường, do cơ chế, song cũng có một nguyên nhân rất quan trọng từ chính người cán bộ, đảng viên. Nếu như một cán bộ, đảng viên thấm nhuần lý tưởng, có đạo đức cách mạng trong sáng thì cho dù thể chế chưa hoàn thiện họ cũng sẽ cố gắng hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ, nhấn mạnh hơn yếu tố trách nhiệm hơn là lợi ích trong quyền lực. Chính vì vậy, để kiểm soát quyền lực tốt, rất cần thiết phải thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền giáo dục lý tưởng cộng sản, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao.

    Thứ ba, Đảng tiếp tục lãnh đạo hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát. Đây chính là một trong những giải pháp quan trọng nhất để kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ rằng, công tác kiểm tra, giám sát cần thực hiện với tinh thần “trị bệnh cứu người”, mục đích cuối cùng là để nâng cao hiệu quả công việc. Kiểm tra, giám sát phải làm rõ được những kết quả, ưu điểm để phát huy, đồng thời sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, vi phạm, khắc phục hậu quả. Trong kiểm tra, giám sát cần phải phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể và các cơ quan chuyên trách về kiểm tra giám sát của Đảng và Nhà nước.

    Thứ tư, siết chặt kỷ luật Đảng thật nghiêm minh. Có thể nói, xử lý kỷ luật nghiêm minh là khâu cuối cùng, quyết định thành bại của công tác kiểm soát quyền lực. Kết quả kiểm tra, giám sát dù có sâu sát, chính xác, nhưng xử lý kỷ luật không nghiêm thì cũng không thể mang lại kết quả. Tất nhiên, kỷ luật nghiêm minh nhưng vẫn phải đảm bảo có lý, có tình, đúng người, đúng sai phạm, khiến các cá nhân sai phạm tâm phục, khẩu phục thì mới đạt yêu cầu về tính răn đe và làm cho cơ quan, tổ chức ngày càng trong sạch, vững mạnh.

    Tóm lại, việc sử dụng công cụ quyền lực hiệu quả, hợp lý sẽ đem lại sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Sự nghiệp đổi mới của đất nước có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào việc sử dụng công cụ quyền lực và kiểm soát quyền lực một cách hiệu lực, hiệu quả. Chính vì vậy, thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát quyền lực nêu trên là một việc làm rất cần thiết, và cũng là một sự cụ thể hóa, lan tỏa tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII vào cuộc sống./.

                                                                ThS. Trịnh Thị Tươi
Khoa Xây dựng Đảng

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Chính trị: Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2006), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, t.2.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, t.13.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia  Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.83.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 109

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 132.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.2tr. 76.

image advertisement
THÔNG TIN ĐÀO TẠO
Thư viện ảnh
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1