Những kinh nghiệm rút ra từ chuyển nghiên cứu thực tế tại Trường Chính trị Tô Hiệu, Thành phố Hải Phòng
NHỮNG KINH NGHIỆM RÚT RA TỪ CHUYỂN NGHIÊN CỨU THỰC TẾ
TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TÔ HIỆU, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Thực hiện Quy định số 11- QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn và Hướng dẫn 381-HD/HVCTQG, ngày 06/9/2021 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hướng dẫn quy trình công nhận trường chính trị chuẩn và cụ thể hóa một số nội dung của Quy định số 11; Kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa hoc năm 2024 của trường Chính trị Long An đã được Tỉnh ủy và UBND tinh phê duyệt, Trường đã tổ chức đoàn cán bộ đi học tập trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng trường chuẩn mức độ một ở một số trường chính trị khu vực phía Bắc, trong đó trường Chính trị Tô Hiệu, thành phố Hải Phòng - một trong ba trường đầu tiên của cả nước đạt chuẩn mức độ một sớm nhất vào năm 2023. Trên tinh thần cùng trao đổi, học tập kinh nghiệm quá trình trong tổ chức thực hiện trường chuẩn mức độ một của Trường Chính trị Tô Hiệu, tác giả rút ra các kinh nghiệm cụ thể như sau:
Một là, quyết tâm cao của người đứng đầu, tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao của nội bộ trong việc triển khai tổ chức thực hiện lộ trình xây dựng trường chuẩn mức độ một tại đơn vị.
Trên cơ sở Quy định số 11 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn và Hướng dẫn 381-HD/HVCTQG, ngày 06/9/2021 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hướng dẫn quy trình công nhận trường chính trị chuẩn và cụ thể hóa một số nội dung của Quy định số 11, Lãnh đạo Trường đã tập trung rà soát, phân loại những tiêu chí cụ thể mà Trường đã đạt và chưa đạt. Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình cụ thể để hoàn thành những tiêu chí còn lại vào năm 2023. Huy động các lực lượng cán bộ chủ chốt phụ trách hoàn chỉnh hồ sơ cho từng tiêu chí theo Hướng dẫn mà Trường đã đạt. Xác định rõ những tiêu chí mà Trường chưa đạt cần sự phối hợp chặt chẽ và tâm huyết của mỗi cá nhân liên quan, của lãnh đạo Trường, Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố và lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để cùng tập trung lãnh đạo thực hiện theo đúng lộ trình, Kế hoạch xây dựng trường chuẩn mức độ một đề ra. Có thể nói, ngoài việc thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học thì việc tập trung mọi nguồn lực để thực hiện Kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn mức độ một là nhiệm vụ chính trị chi phối toàn bộ tâm trí, thời gian làm việc của tập thể cán bộ lãnh đạo, viên chức, học viên của Trường. Trong đó, sự quyết tâm và truyền động lực làm việc của tập thể lãnh đạo Trường, nhất là vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhờ vậy, Trường Chính trị Tô Hiệu đã phát huy được sức mạnh của toàn đơn vị để Trường đạt chuẩn mức độ một đề ra theo đúng Kế hoạch. Toàn bộ Hồ sơ xây dựng trường chuẩn mức độ một được lãnh đạo kiểm tra, được Học viện thẩm định và tập hợp quản lý chung tại Phòng Quản lý Đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường.
Hai là, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của cơ quan cấp trên và lãnh đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong thực hiện Kế hoạch xây dựng trường chuẩn mức độ một.
Những tiêu chí liên quan đến cơ sở vật chất, công tác cán bộ, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh…muốn hoàn thành cần được sự giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo tổ chức thực hiện của Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng và lãnh đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong tổ chức thực hiện Kế hoạch xây dựng trường chuẩn của đơn vị. Là yếu tố quan trọng, giúp đơn vị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các tiêu chí khó, ngoài khả năng của Trường.
Ba là, lãnh đạo Trường lan tỏa tinh thần làm việc với quyết tâm, tạo bước đột phá trong suy nghĩ và hành động của đội ngũ giảng viên, học viên là nội lực quyết định chất lượng trường chính trị chuẩn mức độ một.
Với tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo Trường, đặc biệt phát huy được vai trò nêu gương của người đứng đầu đã tác động tích cực đến suy nghĩ và hành động của giảng viên và học viên trong việc góp phần trách nhiệm cá nhân trong xây dựng trường chính trị chuẩn.
Đối với lãnh đạo: Cần lan tỏa tinh thần quyết tâm và tạo bước đột phá trong cách đánh giá năng lực và giao việc cho cấp dưới; biết cách huy động mọi nguồn lực và biết lan tỏa quyết tâm, truyền động lực cho cấp dưới làm việc, tạo sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Thực hiện tốt phương châm “Năm phải”: Suy nghĩ phải chính; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải cao; nổ lực phải lớn; hành động phải quyết liệt. Đặc biệt thực hiện và phát huy dân chủ trong lãnh đạo, khơi dậy được khát vọng cho mọi thành viên cùng chung tay xây dựng trường chuẩn của đơn vị; đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của giảng viên, giữ gìn đoàn kết nội bộ, thu nhập năm sau phải cao hơn năm trước.
Đối với giảng viên: Yêu cầu phải vững lý luận, sát thực tiễn; không ngừng tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ý thức trách nhiệm của giảng viên trong thực hiện Kế hoạch xây dựng trường chính trị chuẩn mức độ một. Chính chất lượng đội ngũ giảng viên làm nên thương hiệu và uy tín của Trường. Trường ưu tiên tuyển người đã kinh qua các chức vụ công tác, trưởng thành từ cơ sở, có trình độ thạc sĩ trở lên, đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Hiện nay, Trường Chính trị Tô Hiệu, thành phố Hải Phòng tập trung lãnh đạo toàn đơn vị hoàn thành Kế hoạch xây dựng trường chuẩn mức độ hai vào năm 2025.
Tóm lại, đây là những kinh nghiệm được rút ra trong chuyến nghiên cứu thực tế về quá trình xây dựng trường chuẩn mức độ một của tập thể lãnh đạo, cán bộ giảng viên và học viên trường Chính trị Tô Hiệu, thành phố Hải Phòng, những kinh nghiệm đó sẽ để cán bộ, viên chức, người lao động trường Chính trị Long An có thêm động lực, tiếp thêm ý chí, tìm những cách thức hiệu quả, phù hợp đạt các tiêu chí khó góp phần xây dựng đạt chuẩn mức độ một vào 2025 theo đúng Kế hoạch đề ra./.
ThS. Nguyễn Văn Hải
Khoa Xây dựng Đảng