image banner
Cán bộ, đảng viên học tập và làm theo tinh thần trách nhiệm đối với Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh

CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM
ĐỐI VỚI NHÂN DÂN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

    Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là mẫu mực về tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người chứng kiến cảnh người dân bị áp bức, bóc lột bởi Thực dân pháp và bọn phong kiến tay sai, do đó, đối với Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Với lòng yêu nước nồng nàng, tinh thần trách nhiệm với nhân dân, Người đã ra đi tìm đường cứu nước. Những năm tháng trong cuộc hành trình 30 năm nơi đất khách, quê người Người phải đối mặt và vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Bác phải trải qua những ngày lao động gian khổ với nhiều nghề vất vả, khó khăn để kiếm sống: Quét tuyết, đốt lò, rửa bát thuê, thợ làm bánh, thợ làm ảnh, làm đồ giả cổ, vẽ quạt, lọ hoa, chao đèn,... nhưng bằng ý chí và nghị lực đã giúp Bác vượt qua để tiếp tục con đường cứu nước. Cuối cùng, Người tìm ra con đường cứu nước. Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới nước ta đã được độc lập, dân ta đã được tự do…

    Bằng tinh thần trách nhiệm với Nhân dân, theo Hồ Chí Minh cần xây dựng nhà nước kiểu mới, nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh nhà nước phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Đối với Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu các quyền được đề ra trong Hiến pháp mà cao hơn nữa. Người nói: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi[1] và Người cũng nêu rõ nhiệm vụ của nhà nước. Trước hết, nhà nước phải hướng vào nhân dân, làm cho dân có ăn (chống nạn đói), có học (chống nạn dốt). Quan niệm như vậy thật sâu sắc biết bao! Chỉ một ngày hôm sau khi Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 3-9-1945, Chính phủ lâm thời đã họp phiên đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa. Chính phủ đã thảo luận và tán thành 6 vấn đề cấp bách do Ngưới nêu ra, trong đó có 2 vấn đề Người quan tâm đầu tiên là: Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo; mở chiến dịch chống nạn mù chữ. Tiếp sau đó ngày 7-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch ký Sắc lệnh thành lập nha bình dân học vụ để phụ trách việc chống mù chữ trong cả nước...

    Tư tưởng về nhà nước “phục vụ nhân dân” của Bác còn thể hiện ở việc Bác yêu cầu cán bộ, công chức nhà nước phải thật sự xứng đáng là “công bộc”, “là đầy tớ thật trung thành” của Nhân dân. Với cương vị nguyên thủ quốc gia, kiêm chủ tịch chính phủ do Quốc hội tín nhiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời các nhà báo: “… Tôi tuyệt nhiên không muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận, bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui…”[2]. Câu trả lời này có ý nghĩa thời sự sâu sắc, và trong thực tế không phải nguyên thủ quốc gia nào cũng làm được điều đó. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với cơ chế thị trường, sự đam mê quyền lực thường dẫn đến tình trạng thiếu tỉnh táo, đề cao vai trò cá nhân, bè phái…

    Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà nước có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước Nhân dân thì cán bộ, công chức nhà nước phải lấy việc phục vụ Nhân dân làm mục đích, phải làm lợi cho nhân dân, phải bảo vệ Nhân dân và chống lại những tệ nạn vi phạm quyền dân chủ và lợi ích của Nhân dân. Chỉ hơn một tháng thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, các tỉnh, huyện và làng ngày 17-10-1945, Người nhắc nhở: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dước quyền thống trị của Pháp - Nhật. Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân ta phải hết sức tránh”.[3]

    Khi nói chuyện cùng đồng bào trước khi sang Pháp tiến hành đàm phán với Chính phủ Pháp về nền độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Khi tôi ẩn nấp nơi núi non, ra vào chốn tù tội, xông pha hiểm nghèo là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác tôi gánh việc chính phủ, tôi lo lắng ngày đêm, nhẫn nhục cố gắng là vì mục đích đó[4]. Đầu năm 1946, khi chính quyền cách mạng mới được 5 tháng tuổi, thời gian còn quá ngắn, có việc làm được, nhiều việc chưa kịp làm, có việc do cấp dưới làm sai, bị nhân dân oán trách. Với tinh thần trách nhiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài tự phê bình trên báo với lời lẽ chân thành và khiêm tốn: “chỉ vì tôi tài hèn, đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào[5]. Năm 1950, tại một huyện niền núi của Liên khu IV cũ, một số cán bộ làm sai đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, gây oan ức cho đồng bào, tạo điều kiện cho kẽ thù lợi dụng, xuyên tạc, Người lập tức viết thư gửi đồng bào Liên khu IV: “tôi phải thật thà xin lỗi đồng bào vì những cán bộ sai lầm mà bị oan ức. Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo[6]. Trong thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở miền Bắc căn bản hoàn thành, sau khi nêu những khuyết điểm, sai lầm của Đảng trong việc đoàn kết nông thôn, việc đánh kẻ địch, việc chấn chỉnh tổ chức, trong chính sách thuế nông nghiệp, Người viết: "Vì sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và chính phủ có chỗ thiếu cụ thể, thiếu kiểm tra, đôn đốc - cho nên khi cải cách ruộng đất đã xảy ra những khuyết điểm, sai lầm...Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất"[7]

    Từ nhận thức cho tới hành động, từ khi tham gia cách mạng, làm nguyên thủ Quốc gia Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tinh thần đầy trách nhiệm với Nhân dân. Đến lúc qua đời, tinh thần ấy đã thể hiện trong Di Chúc của Người về việc riêng - Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa[8], và Bác cũng không quên căn dặn cán bộ, đảng viên: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[9]

    Hiện nay, Bác đã đi xa, nhưng tinh thần trách nhiệm của Bác đối với Nhân dân luôn mãi là ngọn đuốc soi đường, là tấm gương sáng mà mỗi chúng ta, nhất là cán bộ, đảng viên phải học tập và làm theo. Để xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa - thể hiện đầy đủ bản chất của một nhà nước kiểu mới, nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân thì đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, phải xác định rõ mình là “công bộc”, “là đày tớ thật trung thành” của Nhân dân, phải thật sự gương mẫu, thật sự trong sạch, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Hồ Chí Minh khẳng định cần, kiệm, liêm, chính là tiêu chuẩn đạo đức của một cán bộ cách mạng. Không phải ngẫu nhiên Người nêu vấn đề cần, kiệm, liêm, chính ngay sau khi tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Người đã nhìn thấy trước một loạt vấn đề phức tạp của một nước nông nghiệp lạc hậu, sản xuất manh mún đi lên chủ nghĩa xã hội. Hoàn cảnh đó dễ nẩy sinh nhiều tệ nạn, cửa quyền, tham ô, lãng phí, quan liêu. Để phòng ngừa những tệ nạn đó, Người nêu vấn đề cần, kiệm, liêm, chính và yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải thực hiện, phải hướng vào nhân dân mà phục vụ. Đó là biểu hiện trình độ văn minh, thước đo ý thức dân tộc của con người Việt Nam, biểu hiện phẩm chất và tình cảm cao quý của người cán bộ, đảng viên trong thời đại mới.

    Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta và đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với Nhân dân, xây dựng nước ta ngày càng giàu đẹp hơn, đời sống của Nhân dân ấm no, hạnh phúc hơn, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trước toàn Đảng, toàn quân và dân ta: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở cước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được thực hiện hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể nói rằng: Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ và tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay[10].

    Tuy nhiên, vẫn còn “một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp…Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa chuyển biến rõ rệt; tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn biến phức tạp[11]vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng. bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ; chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân[12].  

    Vì vậy, để thực hiện được đầy đủ vai trò “công bộc”, “đày tớ thật trung thành” của Nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên cần tích cực rèn luyện, học tập, làm theo tấm gương cần, kiệm, liêm, chính của Bác. Đặc biệt, phải xây dựng tinh thần trách nhiệm gắn chặt với chống chủ nghĩa cá nhân. Mỗi cán bộ, đảng viên ở bất kỳ vị trí nào phải làm việc hết trách nhiệm của mình, phải tích cực, tự giác hoàn thành tốt mọi công việc được giao, phải đưa cả tinh thần và lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, làm có kết quả cao nhất từ việc nhỏ đến việc to, việc dễ đến khó... Để làm được điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhiên cứu, tìm hiểu, nắm vững chủ trương, chích sách của Đảng, Nhà nước và của từng địa phương, đơn vị, đồng thời phải đi sâu tìm hiểu, nắm bắt đặc điểm, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền hướng dẫn, động viên nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách một cách có hiệu quả cao nhất. Phải tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; tạo điều kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân...

    Song song với xây dựng tinh thần trách nhiệm, mỗi cán bộ đảng viên phải chống chủ nghĩa cá nhân. Cụ thể phải chống được các bệnh mà cán bộ, đảng viên đang mắc phải và có thể sẽ mắc phải như sau: bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kêu ngao; bệnh hiếu banh; bệnh hữu danh vô thực (làm ít nhưng báo cáo, khoe khong thì nhiều); bệnh cận thị (chỉ thấy cái nhỏ, cái vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh, a vua và bệnh kéo bè, kéo cánh.

    Xây dựng tinh thần trách nhiệm đi đôi với chống chủ nghĩa cá nhân là một yêu cầu bức thiết mà mỗi cán bộ, đảng viên phải nhiêm túc thực hiện, để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Cụ thể, mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao nhận thức và nghiêm túc thực hiện 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới theo Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Ban Chấp hành Trung ương. “1. Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; 2. Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; 3. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; 4. Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; 5. Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời”.

    Tóm lại, Cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với Nhân dân là thể hiện rõ bản chất của nhà nước ta là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ vị trí nào, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm việc hết trách nhiệm của mình, phải tích cực, tự giác hoàn thành tốt mọi công việc được giao, phải đưa cả tinh thần và lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, làm có kết quả cao nhất từ việc nhỏ đến việc to, việc dễ đến khó. Khi có sai sót phải thật thà nhận, công khai nhận khuyết điểm và nghiêm túc sửa chữa để luôn sứng đáng là “công bộc”, “đày tớ thật trung thành” của Nhân dân.

ThS. Đoàn Văn Xê
Khoa Nhà nước và pháp luật

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập1, 2,Nxb CTQG-ST,H.

2.     Đảng Cộng sản Việt Nam (2018): Văn kiện hội nghị lần thứ bảy BCHTW khóa XII, VPTUĐ, H.

3.      Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

4.     Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, t 4,5, 6,7,8.

5.     Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tự hào và tin tưởng dưới là cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

 



[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tập 7, tr 572.

[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tập 4, tr 161.

[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tập 4, tr 240.

[4] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tập 4, tr 240.

[5]Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, t 5, tr 165

[6]Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, t6, tr 65

[7] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, t 8, tr 236.

[8] Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

[9] Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, 2021 tr 25.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, Nxb CTQGST. H, 2021, tập II. Tr 223.224.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQGST, 2021, tr178.

image advertisement
THÔNG TIN ĐÀO TẠO
Thư viện ảnh
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1