Giảng viên Trường Chính trị Long An học tập phương pháp đọc sách của Bác góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy
GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LONG AN HỌC TẬP PHƯƠNG PHÁP ĐỌC SÁCH
CỦA BÁC GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY
Sách là một kho tàng kiến thức quý giá, là nơi lưu giữ nền văn minh trên thế giới, những thành tựu, di sản tinh thần của nhân loại. Sách là một phương tiện để mỗi người tự học hỏi, thu nạp kiến thức, chỉ cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Có thể nói sách là những người bạn gần gũi chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn của mỗi người.
Một trong những giá trị văn hóa trong tư tưởng Hồ Chí Minh là văn hoá đọc và viết sách. Người dùng tri thức đọc và vận dụng tri thức ấy để viết sách, viết báo phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Người đọc sách không chỉ đơn thuần là giải trí còn để phục vụ cách mạng với niềm khao khát tột bậc “là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[1].
Khi Người tiếp cận với “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lê-nin, Người đã tâm sự: “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”[2]. Như vậy, qua quá trình học tập thực tiễn và qua việc đọc“Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lê-nin đã giúp Hồ Chí Minh tìm được con đường cách mạng chân chính cho dân tộc. Khi trở thành lãnh tụ Đảng, vị Chủ tịch đứng đầu Nhà nước, Người vẫn tiếp tục đọc sách báo, việc đó đã trở thành nhu cầu, nếp quen trong sinh hoạt hàng ngày không thể thiếu được. Khi đã ở vào tuổi thất thập cổ lai hy, Hồ Chí Minh vẫn không ngừng tự học. Hồ Chí Minh từng chia sẻ: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”[3].
Người đã dạy: “Muốn có nhiều tài liệu thì phải xem cho rộng. Xem báo Trung Quốc, báo Liên Xô, báo Anh, báo Pháp... xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy”[4]. Để có nguồn tài liệu phong phú để đọc, Hồ Chí Minh cũng chỉ dạy: “Tìm tài liệu cũng như những công tác khác, phải chịu khó. Có khi xem tờ báo này có vấn đề này, xem tờ báo khác có vấn đề khác, rồi góp 2, 3 vấn đề, 2, 3 con số làm thành một tài liệu mà viết”[5].
Người có thói quen khi đọc, ngón tay đưa theo dòng, mắt dõi theo, chỗ nào có vấn đề chú ý thì dừng tay ghi chép hoặc đánh dấu để dễ nhận biết những chỗ vẫn cần chú ý, những số liệu và thông tin cần xử lý. Đọc báo, thấy gương người tốt muốn thưởng huy hiệu, Bác dùng bút bi hoặc bút chì màu đỏ khuyên vào. Chỗ nào cần lưu ý, Bác đánh dấu gạch chéo (/); đánh dấu bằng chữ X và gạch chéo (X/) là chú ý dòng; (!) là lạ; có vấn đề chưa rõ ràng, còn nghi ngờ, Người đánh dấu chấm hỏi (?) và yêu cầu văn phòng xác minh lại. Đoạn nào cần xem kỹ, Bác đánh dấu gạch chéo và chấm phẩy (/;). Đã xem xong, Bác viết chữ V...[6].Trong cuốn sách “Cách viết”, Bác đã căn dặn: “những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết. Có khi xem mấy tờ báo mà chỉ được một tài liệu thôi”[7]. Không có ghi chép cẩn thận thì những khi cần sẽ phải mất nhiều thời gian để tìm kiếm lại. Hồ Chí có cuốn “Bút ký đọc sách” trong đó ghi lại những ý chính của các cuốn sách Bác đã đọc cùng với những nhận xét đánh giá của mình. Trong “Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch”, Người đã ghi lại: “Mỗi ngày, Cụ xem chừng 25 tờ báo, báo sáng, báo chiều, báo hàng tuần và báo ngoại quốc. Báo có tin tức gì hay, Cụ lấy bút chì đỏ làm dấu vào, rồi bảo anh em xem”[8].
Đọc sách, báo, tài liệu để nâng cao kiến thức, kiến thức đó phải được đem áp dụng vào thực tế mới có hiệu quả thiết thực vì Hồ Chí Minh cho rằng: “Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”[9]. Trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn chú trọng đem kiến thức qua sách báo vào thực tiễn cuộc sống. Người đã từng nói: “Siêng xem sách và xem nhiều sách là một việc đáng quý” nhưng “dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”[10].
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện số 46/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trong đó khoản 1 Điều 30 quy định ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam. Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam, đồng thời tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò , tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Đồng thời, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã đề cao vai trò của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược. Muốn có được nguồn nhân lực chất lượng cao, thiết nghĩ, cần tăng cường lan tỏa hơn nữa văn hóa đọc trong cộng đồng, hình thành thói quen đọc sách hàng ngày để bồi dưỡng trí tuệ và tâm hồn mỗi con người.
Trong hoạt động dạy học nói chung, cũng như việc giảng dạy lý luận chính trị nói riêng, đọc sách là một yêu cầu bắt buộc của hoạt động dạy học của giảng viên. Xuất phát từ đặc thù của giảng dạy ở trường chính trị vừa trang bị kiến thức cơ bản, vừa rèn luyện kỹ năng, vừa tuyên truyền cho người học bản lĩnh chính trị, kiên định hệ tư tưởng mà Đảng đã xác định nên đòi hỏi giảng viên phải đọc các loại sách tham khảo khác để tìm kiếm tư liệu minh họa cho phù hợp với từng đối tượng khác nhau, từng thời gian khác nhau để cập nhật tư liệu, kiến thức làm cho bài giảng phong phú, tạo sức thu hút của người học.
Trong những năm qua, với sự quan tâm sâu sắc của Ban Giám hiệu, nguồn sách phục vụ cho việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu ở Trường Chính trị Long An ngày càng phong phú và đa dạng, từ các loại sách kinh điển, chính trị xã hội, pháp luật, đến văn học,….được bổ sung hàng năm. Ban Giám hiệu đã có chủ trương và duyệt khi giảng viên đề nghị nhu cầu mua các loại sách để phục vụ giảng dạy, nghiên cứu. Viên chức phụ trách thông tin-tư liệu cũng đã kịp thời giới thiệu những tư liệu mới có liên quan cho giảng viên. Bên cạnh đó, việc trang bị hệ thống Internet đều khắp các phòng, khoa cũng tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên tìm kiếm tư liệu phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.
Tuy nhiên, đa số mỗi người đều thích đọc sách văn học, đọc tin “hót”, ngán ngại đọc các loại sách kinh điển, sách lý luận, tạp chí,…Mặt khác, quỹ thời gian làm việc của mỗi người trong ngày có hạn, trong khi đó khối lượng công việc cũng như khối lượng sách cần đọc của chúng ta lại rất nhiều nên cũng có giảng viên chưa thật sự quan tâm dành thời gian để đọc sách. Viên chức phụ trách công tác thông tin-tư liệu hiện nay chưa được đào tạo chuyên môn nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Khai thác phòng đọc cũng còn nhiều hạn chế, số lượng giảng viên đến tìm tài liệu không cao, việc bổ sung các đầu sách cũng còn ít.
Để việc đọc sách mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng văn hóa đọc và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn ở Trường chính trị Long An hiện nay, cần quan tâm thực hiện một số nội dung như:
Một là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các chi bộ cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho giảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của đọc sách nói chung và đọc sách lý luận chính trị nói riêng với việc nâng cao trình độ, hiểu biết và thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Từ đó, xây dựng tính tự giác, tích cực trong việc tự học và đọc sách.
Tiếp tục quan tâm đầu tư mua bổ sung, làm phong phú hơn số lượng đầu sách, chủ đề sách trong thư viện trường và quản lý, khai thác hiệu quả số sách này. Ngoài ra, có thể phát động cán bộ, giảng viên, học viên tham gia góp sách, tặng sách thuộc các loại hình, chủ đề khác nhau cho thư viện. Đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng tin học hóa, xử lý trên các phần mềm thư viện hiện đại một cách đồng bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu số để khai thác hoạt động của phòng đọc.
Hai là, Công đoàn, Đoàn Thanh niên phát động phong trào đọc sách, ngày đọc sách trong thanh niên nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong đoàn viên, thanh niên, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách của thế hệ trẻ. Hàng năm, tổ chức thi tìm hiểu về nội dung những cuốn sách quan trọng hoặc đưa ra một chủ đề để tìm hiểu nội dung ở các cuốn sách; tạo nên các diễn đàn trực tiếp, online để trao đổi sách, thông tin, tài liệu hoặc các vấn đề gắn liền với yêu cầu của nhiệm vụ của Trường để thu hút giảng viên, kể cả học viên tham gia.
Ba là, đối với giảng viên, phải xác định đọc sách là nhu cầu thiết thực của bản thân. Cùng với các loại sách kinh điển, các Văn kiện, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giảng viên lý luận chính trị cần phải thường xuyên đọc các báo và tạp chí chuyên nghành như Tạp chí Tuyên giáo, Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản… để có thêm thông tin phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy của bản thân. Khi đọc sách trở thành nền nếp, đam mê thì chất lượng tự nghiên cứu, tự học tập được nâng lên, giảng viên có nhiều tư liệu để làm cho bài giảng có nội dung hay, sâu sắc, truyền cảm hứng cho người học, việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Trường. Ngoài ra, thông qua sách, báo, giảng viên còn học hỏi, tự rèn luyện về quy tắc ứng xử, những chuẩn mực đạo đức,... Khi đứng trên bục giảng, giảng viên còn là người truyền cảm hứng, lan tỏa cho học viên sự say mê đọc sách. Giảng viên phải làm cho học viên hiểu đọc sách là một trong những cách tự học để nâng cao tri thức, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, vừa khắc phục bệnh lười học lý luận chính trị, vừa góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại đơn vị.
Muốn vậy, mỗi giảng viên cần xây dựng cho mình phương pháp đọc sách khoa học để tiết kiệm thời gian, đạt hiệu quả cao. Đầu tiên, giảng viên phải lựa chọn nội dung sách phù hợp, được nhà xuất bản có uy tính phát hành, đối với trường hợp đọc sách online cần lưu ý chọn lọc thông tin và link có độ tin cậy và chính xác. Tùy theo mục đích và khả năng, giảng viên có thể đọc một lần, hoặc đọc nhiều lần, đọc nhanh hay đọc chậm. Chẳng hạn như tìm tư liệu để trích dẫn thì chỉ cần đọc một lần, nếu với mục đích đọc nghiên cứu, học tập thì phải đọc nhiều lần; khi đọc các lần sau không phải đọc như lần đầu đọc kỹ mà các lần sau chỉ đi sâu vào những phần mà lần đầu đọc chưa hiểu hoặc những nội dung đang quan tâm. Việc đọc đi đọc lại nhiều lần là rất cần thiết đối với giảng viên nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, giúp cho giảng viên hiểu sâu sắc và ghi nhớ lâu hơn. Đặc biệt là khi đọc đòi hỏi giảng viên phải ghi chép, khai thác tư liệu, số liệu để phục vụ cho công tác của mình; ghi chép trong khi đọc là một việc làm hết sức cần thiết, bởi vì, trong khi đọc dù người đọc có tập trung sâu sắc đến đâu thì cũng không thể lưu giữ được mãi trong trí nhớ. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần kết hợp giới thiệu các nguồn trích dẫn cho học viên nắm, vừa khơi gợi, vừa đảm bảo tính chính xác, thuyết phục học viên. Bằng kiến thức và phương pháp đọc sách có được, giảng viên vận dụng để hướng dẫn cho học viên đọc giáo trình, tài liệu tham khảo,...hiệu quả hơn.
Tóm lại, học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thiết nghĩ cần học ngay văn hóa đọc của Người, biến việc đọc từ yêu cầu của cuộc sống trở thành nhu cầu chính đáng của mỗi người. Việc đọc sách có ý nghĩa to lớn với tất cả mọi người, thông qua đọc sách giúp mỗi người nâng cao trình độ nhận thức, kiến thức để tự hoàn thiện bản thân hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đối với mỗi giảng viên lý luận chính trị lại càng cần phải đọc sách để tự hoàn thiện bản thân mình, đồng thời cũng thông qua đọc sách mà mỗi giảng viên nâng cao trình độ nhận thức hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả của quá trình dạy và học lý luận chính trị./
ThS. Nguyễn Thị Huyền Hương
Khoa Xây dựng Đảng
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, trang 161
[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 12, tr.562
[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 13, tr.273
[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 8, tr.207.
[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 8, tr.207.
[6] https://www.bqllang.gov.vn/danh-sach-khach-vieng.html?id=2852:bac-ho-doc-sach-bao#.
[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 8, tr.207.
[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 4, tr.448
[9] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 11, tr.95
[10] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 5, tr.274