image banner
Tiếp tục thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Long An góp phần nhận diện, phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng đối với nông nghiệp, nông dân

TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Ở LONG AN GÓP PHẦN NHẬN DIỆN, PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC
CHỦ TRƯƠNG, ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI
NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN

    Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có tính chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã và đang đề ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam nhằm xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Ngay từ Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (1955) đã xác định chủ trương phát triển nông nghiệp, khẳng định sản xuất nông nghiệp là mấu chốt của việc khôi phục kinh tế quốc dân, mấu chốt của toàn bộ công tác kinh tế, tài chính. Hội nghị lần thứ lần V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ra nghị quyết đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn thời kỳ 2001 – 2010. Đến hội nghị lần thứ VII, Khóa X, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, ngày 5-8-2008, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khẳng định những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và hiệu quả. Hội nghị Trung ương lần thứ V, khóa XIII Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết số 19-NQ/TƯ, ngày 16-6-2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

    Trên cơ sở chủ trương của Đảng trong từng thời kỳ, Chính phủ cùng với các Bộ, Ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (ban hành kèm theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-06-2013 của Thủ tướng Chính phủ) và Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ) đã phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành giai đoạn 2011-2020 đạt 2,93%/năm; trong đó, năm 2021 đạt 3,27% và năm 2022 đạt 3,36%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,07%. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2020 đạt 341,7 tỷ USD, bình quân đạt 34,17 tỷ USD/năm, tăng trưởng 5,38%/năm. Riêng năm 2022, xuất khẩu nông sản đạt kết quả cao kỷ lục 53,53 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2021, có 12 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đặc biệt, giá trị tăng thêm ngành Nông nghiệp quý I-2024 tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.[1] Kết quả trên đã khẳng định chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp luôn chuyển dịch theo hướng tích cực, gia tăng sản phẩm có giá trị kinh tế, có lợi thế cạnh tranh. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Đời sống vật chất và tinh thần cho đại bộ phận nông dân ngày càng được nâng cao, góp phần giảm nghèo bền vững và làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

    Tuy vậy, các thế lực thù địch đã lợi dụng những diễn biến phức tạp, khó lường của thiên nhiên như hạn mặn, lũ lụt, sâu rầy phá hoại mùa màng,....để là xuyên tạc chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, khẳng định các chủ trương của Đảng ta về phát triển nông nghiệp là xa rời thực tiễn,. không giải quyết những khó khăn trên lĩnh vực nông nghiệp, những khó khăn của người nông dân đang phải đối mặt, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân nhằm kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mục đích cuối cùng là gây bất ổn chính trị, xã hội, tiến tới lật đổ chế độ XHCN ở nước ta. Luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động tập trung vào các vấn đề như: chúng rêu rao rằng, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam thường mị dân bằng các khẩu hiệu: “Nông dân là lực lượng cách mạng”, “Phải biết ơn nông dân”, “Phải ưu tiên phát triển hợp lý nông nghiệp”… nhưng nông nghiệp, nông thôn Việt Nam còn kém phát triển, bị lép vế; nông dân là người thua thiệt đủ bề, công cuộc đổi mới đất nước không đem lại lợi ích gì cho người nông dân, mà trái lại đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản và cơ chế, chính sách của Nhà nước Việt Nam đã bóc lột nông thôn, nông dân để dồn sức cho công nghiệp hóa và phát triển đô thị. xuyên tạc chủ trương phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn là làm cho người nông dân bị bần cùng hóa ngay trên quê hương và ngay chính trên mảnh đất của họ. Gieo rắc hoài nghi cho người nông dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước Việt Nam về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thế lực thù địch đưa ra dự báo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, giai cấp nông dân Việt Nam sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định chính trị - xã hội.[2]

    Đấu tranh phản bác lại những luận điệu sai trái đó là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, qua đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, trực tiếp góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm chính trị của người cán bộ, đảng viên.

    Gần 40 năm đổi mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có sự thay đổi toàn diện, đời sống người nông dân được cải thiện. Nhà nước đã bố trí nguồn lực, đồng thời phát động phong trào, huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tạo được nguồn lực đầu tư to lớn, làm cho nông nghiệp, nông thôn thay đổi toàn diện. Tính đến ngày 20/10/2024, cả nước có 6.320/8.162 xã (77,4%) được phê duyệt quyết định xã đạt chuẩn NTM; 2.182 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 480 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 296 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; 11 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao....Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sẽ là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định như: Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29-01-2010, phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020”; Quyết định số 1895/QĐ-TTg, ngày 17-12-2012, phê duyệt “Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020”; Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

    Long An là một tỉnh nông nghiệp nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí, điều kiện tự nhiên phù hợp để sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Long An trong thời gian qua đã có những bước phát triển tích cực; dù gặp khá nhiều yếu tố bất lợi về thời tiết, khí hậu, dịch bệnh, tiêu thụ nông sản bấp bênh, trong khi giá vật tư đầu vào không ôn định có nhiều hướng tăng cao, v.v nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt và kịp thời của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh cùng sự nổ lực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ban, ngành, đoàn thể và nông dân nên sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn vượt qua các khó khăn, trở ngại để luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng và vượt chỉ tiêu đề ra hàng năm. Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 04/3/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành Quyết định số 2485/QĐ-UBND ngày 16/6/2016 về Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, tham mưu dự thảo nội dung trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2486/QĐ-UBND ngày 16/6/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu chọn 03 cây trồng và 01 vật nuôi thực hiện ứng dụng CNC, gồm: Vùng lúa 20.000 ha tại các huyện Đồng Tháp Mười; Vùng thanh long 2.000 ha tại huyện Châu Thành; Vùng rau 2.000 ha tại 03 huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và Thành phố Tân An; Vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ tăng khoảng 5.000 bò hướng thịt trong đó có trên 3.500 – 4.000 con bò hướng thịt chất lượng cao và hỗ trợ ít nhất 02 doanh nghiệp đạt chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC.

    Qua 4 năm triển khai, đến năm 2020, Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt đạt được một số kết quả quan trọng, vượt các chỉ tiêu đề ra như: đối với vùng lúa có 21.452 ha ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đạt 107,3%; vùng rau có khoảng 2.092,5 ha đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, đạt 104,6%; vùng thanh long có 2.082,05 ha ha, đạt 104,1% kế hoạch; vùng chăn nuôi bò thịt, đã xây dựng được 2 Hợp tác xã điểm và 16 tổ hợp tác; xây dựng 10 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò thịt, người dân từng bước ứng dụng công nghệ nghệ giống, thức ăn, chăn nuôi đảm bảo môi trường ... chủ động được nguồn giống, nâng cao giá trị đàn, làm chủ được kỹ thuật.

    Tiếp nối những kết quả đạt được của Chương trình, ngày 14-4-2021 Tỉnh ủy Long An đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện sản xuất 4 loại cây trồng (lúa, rau, thanh long, chanh) và 02 con vật nuôi (bò thịt, tôm nước lợ). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND ngày 04/10/2021 Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025. Có thể nói, qua triển khai xây dựng mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất lúa, người dân trong vùng thấy được hiệu quả của việc dùng giống lúa xác nhận, ưu điểm của việc giảm lượng giống trong gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch đã góp phần giảm chi phí sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế. Sử dụng thiết bị máy phun thuốc vừa giải quyết được “bài toán” về nhân công lao động, vừa giảm được chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, các Hợp tác xã Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy bay phun thuốc nhằm phục vụ thành viên và làm dịch vụ. Phun thuốc bằng máy bay sẽ giảm từ 30-35% lượng thuốc so với phun xịt bằng tay. Chi phí phun thuốc bằng máy bay khoảng 120.000 đồng/ha, giảm 50.000 đồng/ha so với phun bằng tay. Như vậy, việc áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng CNC vào sản xuất cũng góp phần giảm công lao động, giống, thuốc bảo vệ thực vật, nhưng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn hiện nay, nhất là vào mùa thu hoạch lúa.

    Các mô hình điểm được hỗ trợ kỹ thuật như tập huấn, hướng dẫn gieo trồng thâm canh các giống cỏ có năng suất và chất lượng cao; sử dụng các thiết bị chuyên dùng cho công tác thú y tại chỗ kết hợp áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; hướng dẫn thực hiện nâng cấp và điều chỉnh kết cấu, quy cách chuồng trại thích hợp với quy trình chăn nuôi bò thịt theo hướng công nghiệp. Đồng thời, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ kinh phí mua bò sinh sản, trang thiết bị máy trộn, máy băm cỏ,...Với mô hình nuôi bò ứng dụng công nghệ cao, không chỉ thay đổi thói quen chăn nuôi truyền thống của bà con nông dân, mà còn giúp nâng cao chất lượng và giá trị đàn bò, từ đó giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên khá giàu. Ngoài ra, để giúp sản phẩm nông nghiệp ổn định đầu ra, tìm kiếm thêm thị trường, thời gian qua, ngành nông nghiệp Long An đã tập trung các giải pháp phối hợp với địa phương xây dựng, tổng hợp những nông hộ, những hợp tác xã có nhu cầu tiêu thụ nông sản, những sản phẩm chủ lực... để đưa lên sàn giao dịch điện tử. Tỉnh còn tập trung triển khai ứng dụng chuyển đổi số ngành nông nghiệp và kết nối thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP.[3] Đến hết quý III/ 2024, công nhận thêm 74 sản phẩm OCOP; lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 222 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 47 sản phẩm 4 sao, 175 sản phẩm 3 sao và toàn tỉnh có 134/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 83,22%; 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 30,59% tổng số xã đạt chuẩn NTM; 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 04 đơn vị huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM.

    Hiện nay, Tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư 2 dự án lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Đó là dự án khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, với quy mô hơn 855ha và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại ấp 3, xã Tân Thành (từ kinh T2 đến kinh T4), huyện Thủ Thừa với quy mô 1.400ha. Mục tiêu của các dự án này là hình thành khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung với quy mô lớn, máy móc hiện đại, giảm sức lao động chân tay, cho ra sản lượng lương thực chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động cao như lúa, ngô, chuối, cây ăn quả, cá, bò, dê, heo, nhà máy sơ chế và chế biến nguyên liệu từ nông sản. Từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

    Từ những kết quả trên đã khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao – một trong những chương trình đột phá đã được Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (2016-2020) và XI (2021-2025) thông qua. Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra, góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi chủ lực. Tư duy, cách nghĩ, cách làm của nông dân thay đổi, từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng khoa học công nghệ; từ coi trọng năng suất sang coi trọng chất lượng sản phẩm; lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giúp giảm sự lệ thuộc vào điều kiện canh tác, tiết kiệm chi phí sản xuất. Quan trọng hơn là tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, năng suất, chất lượng cao và giá trị kinh tế vượt trội. Trên địa bàn tỉnh Long An đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo giúp giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm sức lao động, tăng năng suất trên cùng diện tích canh tác và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, lòng tin của người nông dân đối với Đảng ngày càng được củng cố vững chắc.

    Như vậy, với những thành quả, bài học kinh nghiệm trong những năm qua và việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện trong những năm tới, chắc chắn rằng nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới. Điều này chứng tỏ Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn, không phải như các luận điệu xuyên tạc, phản động của thế lực thù địch. Do vậy, không có cơ sở khoa học, thực tiễn nào để nói rằng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 người nông dân Việt Nam bị bần cùng hóa và tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị, xã hội./.

ThS Nguyễn Thị Huyền Hương

Khoa Xây dựng Đảng



[1] https://tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/tiep-tuc-thuc-day-phat-trien-nong-nghiep-nong-dan-nong-thon-nhanh-va-ben-vung-gop-phan-thuc-hien-muc-tieu-phat-trien-dat-nuoc-phon-vinh-hanh-phuc.

[2] http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/5467-nhan-dien-va-phan-bac-luan-dieu-xuyen-tac-chu-truong-duong-loi-cua-dang-doi-voi-nong-dan.html

[3] https://baophapluat.vn/long-an-hieu-qua-chuong-trinh-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-post483463.html

image advertisement
THÔNG TIN ĐÀO TẠO
Thư viện ảnh
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1