Công tác giáo dục lý luận qua 30 năm đổi mới ở Trường Chính trị Long An

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986), đã quyết định tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. 30 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam đã phát huy cao độ "tinh thần Việt Nam", "ý chí Việt Nam", vượt qua muôn vàn khó khăn, đạt những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Đặc biệt, thực tiễn sinh động qua 30 năm đổi mới, đã hình thành hệ thống lý luận cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (về bản chất, đặc trưng của chủ nghĩa xã hội; các định hướng cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội; về mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; về phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng...), tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, người làm công tác lý luận, không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn, đào tạo lý luận đáp ứng yêu cầu sự phát triển của mỗi địa phương, của đất nước. Trong phạm vi Hội thảo, bài viết chỉ đề cập minh họa một vấn đề nhỏ: Công tác giáo dục lý luận chính trị qua 30 năm đổi mới ở Trường Chính trị Long An.
Ngay sau thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất. Quan điểm của Tỉnh ủy Long An về công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên rất kịp thời. Hội nghị Tỉnh ủy tháng 7-1975 nhấn mạnh: Trong giai đoạn mới của cách mạng, vấn đề giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên của tỉnh đặt ra yêu cầu cấp bách… Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Giám đốc Trường Đảng tỉnh bắt tay vào công việc. Với sự nỗ lực, tích cực vượt qua mọi khó khăn về cơ sở vật chất thiết yếu, nguồn tư liệu, tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu. Đầu tháng 7-1975, Trường khai giảng lớp đầu tiên - đào tạo cấp tốc cán bộ cơ sở để chuẩn bị cho việc xây dựng, củng cố chính quyền. Nội dung chương trình có 8 bài: 1. Tôn chỉ mục đích của Đảng; 2. Giai cấp và đấu tranh giai cấp; 3. Tình hình nhiệm vụ mới; 4. Công tác chi ủy, cấp ủy; 5. Công tác vận động quần chúng của chi bộ; 6. Chi bộ lãnh đạo chính quyền cơ sở; 7. Công tác kinh tế tài chính; 8. Trau dồi đạo đức cách mạng. Thời gian mỗi lớp 30 ngày. Giảng viên là các đồng chí trong Ban Giám đốc, lãnh đạo Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy… Qua các lớp bồi dưỡng cấp tốc này, nhận thức của cán bộ, đảng viên về tính chất cuộc cách mạng trong thời kỳ mới, về đường lối xây dựng CNXH được củng cố, nâng lên.
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ của tỉnh, trên cơ sở tài liệu, sách giáo khoa lý luận chính trị trung cấp của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Trường Đảng tỉnh đã chủ động, mạnh dạn xây dựng chương trình, kế hoạch, tham mưu Tỉnh ủy mở lớp Trung cấp lý luận chính trị. Tháng 4-1984, khai giảng khóa đầu tiên, ký hiệu K1, với 140 học viên; chia làm 02 lớp. Lớp K1A, đối tượng là cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn; thời gian 18 tháng. Lớp K1B, đối tượng là cán bộ Trường Đảng huyện, thị xã và các trường phổ thông cấp II (đào tạo giảng viên chính trị); thời gian 24 tháng. Chương trình học gồm các môn: Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị học Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Quản lý nhà nước, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Xây dựng Đảng… Giảng viên chủ yếu mời các trường: Trường Tuyên huấn Trung ương II, Trường Nguyễn Ái Quốc VII, IX, Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ TP. Hồ Chí Minh. Phương pháp giảng dạy chủ đạo là giảng giải. Mặc dù thực hiện khóa đào tạo Trung cấp lý luận chính trị đầu tiên cho cán bộ của tỉnh trong điều kiện còn hết sức khó khăn, song Trường đã nhận được sự động viên, khích lệ rất lớn từ Tỉnh ủy và các học viên.
Đại hội VI, với đường lối đổi mới toàn diện đời sống và hoạt động xã hội với bước đi thích hợp, lấy đổi mới tư duy lý luận làm tiền đề, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế… như một luồng sinh khí mới thổi vào đời sống xã hội, khơi dậy mạnh mẽ năng lực tư duy, khả năng sáng tạo của toàn xã hội; nhiều mô hình hay, cách làm tốt, kinh nghiệm mới, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương, được triển khai thực hiện. Ở Long An, đầu những năm 1990, trước tình hình thế giới biến động phức tạp, sự sụp đổ của các nước XHCN Đông Âu đã tác động mạnh đến tư tưởng cán bộ, đảng viên; một bộ phận dao động về con đường đi lên CNXH ở nước ta… Trường Đảng tỉnh đã mạnh dạn đề xuất Thường trực Tỉnh ủy cho Trường tạm ngưng mở các lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị, tập trung mở các lớp chuyên đề quán triệt Nghị quyết Đại hội VII, Cương lĩnh chính trị xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ,… Được sự đồng ý của Tỉnh ủy, các đồng chí trong Ban Giám hiệu và một số đồng chí lãnh đạo tỉnh, trực tiếp tham gia biên soạn chương trình và đứng lớp. Hàng ngàn cán bộ, đảng viên dự học, đã góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, tư tưởng trong Đảng bộ tỉnh.
Từ cuối năm 1991, Trường Đảng tỉnh Long An thực hiện giảng dạy và học tập lý luận chính trị Mác-Lênin, chương trình trung cấp, theo bộ giáo trình quốc gia, gồm 9 phần học. Qua thực tiễn giảng dạy, năm 1993, Trường đã bổ sung thêm một số nội dung cho phù hợp với địa phương. Cụ thể, đưa 03 bài: Lịch sử triết học, Lịch sử các học thuyết kinh tế và Lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào phần đầu 03 phần học: Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị học Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học. Phần học Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng, đưa nội dung Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) - đánh giá cuộc khủng hoảng ở các nước XHCN, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Phần An ninh quốc phòng, Trường phối hợp với Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, bổ sung nhiệm vụ quốc phòng, an ninh địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế tỉnh có đường biên giới đất liền với Campuchia khá dài (137km). Phần Quản lý kinh tế, đưa nội dung Kinh tế thị trường vào chương trình. Phần Lịch sử Đảng, bổ sung thêm nội dung Tóm tắt lịch sử dân tộc; Lịch sử Đảng bộ địa phương. Phần Xây dựng Đảng, đưa nội dung đổi mới, chỉnh đốn Đảng, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII). Thực hiện Quyết định số 88-QĐ/TW ngày 05-9-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII); Quyết định số 39-QĐ/GĐ ngày 01-6-1996 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về chương trình trung học chính trị, giáo trình gồm 12 môn. Trường Chính trị nhanh chóng có văn bản trình Thường trực Tỉnh ủy, thực hiện biên soạn môn Tình hình, nhiệm vụ, các chủ trương lớn của địa phương; xây dựng kế hoạch, mở một số lớp chuyên đề Tư tưởng Hồ Chí Minh, Thời đại ngày nay…
Qua 10 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ VI (5-1996), chỉ rõ yêu cầu về công tác cán bộ:… Phải xây dựng chiến lược cán bộ đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, phải gắn chặt công tác đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch cán bộ;… chú trọng đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ toàn diện cả về phẩm chất, trình độ và năng lực; có chính sách khuyến khích cán bộ học tập nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ… Đây chính là những định hướng quan trọng để Trường vận dụng sáng tạo, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngoài Chương trình trung học chính trị, trường còn mở Chương trình trung cấp hành chính (ngạch cán sự); các lớp bồi dưỡng (cán bộ đoàn thể cơ sở, công tác tôn giáo, công chức hành chính ngạch chuyên viên, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ chính quyền cơ sở); các lớp chuyên đề; phối hợp với Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh liên kết với Học viện Hành chính quốc gia mở lớp Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính...
Ngay từ đầu những năm 1990, Trường Đảng tỉnh đã quan tâm, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học; đăng ký, thực hiện một số đề tài khoa học cấp tỉnh, cụ thể như: Năm 1993, thực hiện đề tài "Thực trạng cơ cấu, năng lực và hoạt động của Bí thư, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ở tỉnh Long An". Kết quả nghiên cứu của đề tài có tác động tích cực đến các cơ quan hữu quan trong việc hoạch định chính sách đối với đội ngũ Bí thư, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn của tỉnh. Năm 1996, thực hiện đề tài "Thực trạng và xu hướng phát triển của giai cấp công nhân theo hướng CNH, HĐH đến năm 2000 ở Long An". Năm 1997, thực hiện đề tài "Tác động của CNH, HĐH đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, thực trạng và giải pháp"… Thông qua việc thực hiện các đề tài khoa học giúp cho giảng viên có thêm kiến thức kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp tư duy nghiên cứu khoa học.
Thực hiện Quyết định số 484/2002/QĐ-HVCTQG ngày 11 tháng 12 năm 2002 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở" (hệ trung cấp lý luận chính trị). Trường Chính trị Long An đã áp dụng triệt để ở tất cả các hệ đào tạo (A, B, C). Chú trọng cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, nâng cao tính tích cực, chủ động của người học, khuyến khích học viên tự học, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Thực hiện quản lý đào tạo theo hướng chính quy, khoa học, chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Nét nổi bật trong nghiên cứu khoa học những năm 2000 là xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng tác nghiệp cho các chức danh chủ chốt cấp xã. Các bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng tác nghiệp đã góp phần tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn, đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ chủ chốt cơ sở công tâm, thạo việc. 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, Trường vinh dự được Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì.
Từ năm 2009 đến hết năm 2014, Trường Chính trị Long An thực hiện Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở" (hệ trung cấp lý luận chính trị - hành chính) theo Quyết định số 1845/QĐ-HVCTQG ngày 29 tháng 7 năm 2009 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nội dung các môn học, phần học (phần cứng) được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ gắn với các Quy chế đào tạo, Quy chế thi, kiểm tra… Bên cạnh đó, Trường vẫn tiếp tục duy trì bổ sung một số bài (phần mềm) như: 03 bài: Lịch sử triết học, Lịch sử các học thuyết kinh tế và Lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào phần đầu 03 môn Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị học Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học; đưa vào phần học Quản lý nhà nước một số chuyên đề như: Luật Thực hành tiết kiệm, Luật Phòng, chống tham nhũng… cho phù hợp với điều kiện thực tiễn đặt ra.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy lý luận chính trị trong điều kiện hiện nay, Trường Chính trị Long An đã khuyến khích giảng viên áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, ứng dụng CNTT vào bài giảng; đưa nội dung này vào tiêu chí thi đua; cơ sở đánh giá chất lượng bài giảng Thi giảng viên giỏi hằng năm đối với đội ngũ giảng viên.
Từ tháng 1-2015, Trường Chính trị Long An thực hiện Chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính, theo Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21 tháng 4 năm 2014 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nhằm triển khai thực hiện chương trình đạt chất lượng, hiệu quả, thiết thực. Ban Giám hiệu trường đã chủ trương xây dựng kế hoạch tổng thể; phân công giảng viên theo hướng 01 bài có 03 giảng viên chuẩn bị; các bài giảng đều phải thông qua HĐKH trường trước khi thực hiện (soạn giáo án theo đúng mẫu quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Với cách làm này, chất lượng đề cương mỗi bài giảng tốt hơn, giúp giảng viên tự tin hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Qua 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Trường Chính trị Long An luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, bám sát đường lối, quan điểm của Đảng, lý luận chủ nghĩa MácLênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào tình hình thực tiễn của tỉnh, góp phần nâng cao không ngừng chất lượng đội ngũ cán bộ, thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh luôn ở mức cao. Tiếp tục vai trò là một trong những trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của tỉnh, năm 2015 và những năm tiếp theo Trường Chính trị Long An quyết tâm phát huy những thành tựu, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 76-CT/TU ngày 15-7-2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị, chú trọng gắn lý luận với thực tiễn nhằm tạo sự chuyển biến quan trọng trong việc giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần ổn định tư tưởng chính trị, củng cố quan điểm và lập trường giai cấp, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh./.
Nguyễn Thị Hiền