image banner
Võ Văn Ngân - Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của quê hương Long An

VÕ VĂN NGÂN - TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG SÁNG NGỜI
 CỦA QUÊ HƯƠNG LONG AN

       Cuộc đời đồng chí Võ Văn Ngân là một tấm gương cao đẹp về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng, về ý chí và tinh thần cách mạng của một chiến sỹ cộng sản kiên cường quả cảm. Bất chấp hy sinh gian khổ, đồng chí luôn kiên định con đường đã chọn, bền bỉ hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng về lý tưởng sống để thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau noi theo và học tập.

       Võ Văn Ngân sinh năm Nhâm Dần (1902) tại làng Bình Tả, xã Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn, nay là xã Đức Hòa Đông tỉnh Long An, là con út trong gia đình có 12 anh chị em, cha ông là Võ Văn Sự và mẹ là bà Nguyễn Thị Toàn. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhân dân bị đọa đầy trong đau khổ dưới sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp xâm lược và bọn phong kiến tay sai; chứng kiến những cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh yêu nước của đồng bào ta bị kẻ thù đàn áp đẫm máu, Võ Văn Ngân sớm nuôi trong mình tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng để cứu nước, cứu dân.

       Với tinh thần yêu nước, Võ Văn Ngân đã sớm có suy nghĩ độc lập, ham tìm sách báo yêu nước, tiến bộ, từ đó ý thức về con đường đấu tranh chống áp bức, tự nguyện dấn thân tìm đường cứu nước. Trong quá trình đó, từng bước một, Võ Văn Ngân từ người yêu nước trở thành người cộng sản, từ thành viên của Thanh niên Cao vọng Đảng (1926) thành đảng viên của An Nam Cộng sản Đảng (1929) đến đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức để quyết tâm suốt đời phấn đấu cho lý tưởng của Đảng, của cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và con người Việt Nam là giá trị đạo đức hàng đầu theo tư tưởng Hồ Chí Minh. 

       Trở thành người cộng sản phấn đấu cho giá trị đạo đức cao cả đó và được Võ Văn Ngân thể hiện một cách hiệu quả trong toàn bộ các hoạt động cách mạng, mà trước hết là việc Võ Văn Ngân chấp hành và thực hiện thành công đối với mọi nhiệm vụ mà Đảng giao cho trên các cương vị và ở các địa bàn trong những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Vượt qua sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù, chấp hành kỷ luật của Đảng với mọi sự phân công và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ là một biểu thị rõ nét chuẩn mực đạo đức, tính tiên phong gương mẫu, sự trung kiên với mục tiêu lý tưởng con đường đã lựa chọn của người cộng sản Võ Văn Ngân. 

       Sự kiên trung và dâng hiến trọn cuộc đời, thanh xuân cho cuộc đấu tranh của Đảng và dân tộc Việt Nam, biểu thị ý chí và quyết tâm cách mạng của Võ Văn Ngân, có nguồn cội vững chắc từ tinh thần yêu nước và đó cũng là lý do tất yếu để đồng chí tham gia ngay vào tổ chức yêu nước của Nguyễn An Ninh và sau đó nhanh chóng trở thành đảng viên Đảng Cộng sản lớp đảng viên đầu tiên trung kiên của cách mạng, Võ Văn Ngân trở thành một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh.

       Thực tiễn lịch sử trên cho thấy, trên cương vị nào, ở đâu và trong bất  kỳ hoàn cảnh nào, bằng những hoạt động cụ thể với những đóng góp sáng tạo của mình, Võ Văn Ngân không chỉ đã nêu tấm gương kiên trung “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỉ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng”, luôn “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”[1] theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Thấu hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tin tưởng và tuyệt đối trung thành với đường lối của Đảng, Võ Văn Ngân không chỉ biểu thị ở sự trung kiên và thực hiện có hiệu quả mọi nhiệm vụ của người cộng sản đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và con người Việt Nam trên cơ sở khoa học mácxít mà còn “là phải sống với nhau có tình có nghĩa”[2] - tình, nghĩa với đồng bào, đồng chí, theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Võ Văn Ngân là một người cộng sản như vậy!

       Hy sinh khi còn rất trẻ mới 36 tuổi, không được nhìn thấy thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, nhưng với những cống hiến to lớn cho Đảng và cách mạng nước ta, đồng chí Võ Văn Ngân đã làm sáng tỏ những phẩm chất đạo đức cách mạng của người cộng sản Việt Nam suốt đời phấn đấu và sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Ngân là một tấm gương sáng về một chiến sĩ tiên phong, người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta và của quê hương Long An.

       Kỷ niệm 122 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân (1902 - 2024) là dịp để chúng ta khẳng định, tri ân công lao to lớn, noi theo tấm gương kiên trung, phấn đấu, hy sinh của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh sự đóng góp của các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, của cách mạng Việt Nam. Qua tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí Võ Văn Ngân góp phần thiết thực vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, khơi gợi tinh thần yêu nước, niềm tự hào của dân tộc, nâng cao ý thức giác ngộ, lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên về tinh thần yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, phục vụ suốt đời vì Tổ quốc, vì lợi ích dân tộc, lợi ích của nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. không ngại hy sinh, gian khổ, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái và nhân đạo cao cả. Truyền thống hiếu học, ham hiểu biết, có ý chí vượt khó, cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, có hoài bão lớn.

       Trong thời gian qua, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong Tỉnh được quan tâm thường xuyên. Một trong những nội dung được các cấp, các ngành chú trọng là việc giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, được triển khai bằng những hoạt động cụ thể, đa dạng, từng bước được xã hội hóa thông qua việc tổ chức các hoạt động nhân các ngày lễ lớn của dân tộc, của đất nước. Tổ chức các hoạt động như viết bài tìm hiểu, triển khai các cuộc vận động, trao đổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, mít tinh kỷ niệm, phối hợp chính quyền phát động các hội thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử, cách mạng... giúp cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử của những sự kiện, ngày lễ. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tổ chức gặp gỡ các nhân chứng, tìm hiểu các di tích lịch sử. Hàng năm, cứ đến ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, tổ chức, vận động hội viên, đoàn viên, thanh niên tham gia chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, trồng hoa cây cảnh, quét vôi mộ, thắp nến tri ân các Anh hùng - Liệt sĩ. Đây là hình thức giáo dục trực quan sinh động nhất giúp các bạn trẻ tri ân những thế hệ đã hy sinh máu xương để đổi lại nền độc lập, hoà bình, tự do như hôm nay. Nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay phải tiếp bước cha anh, kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

       Tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Ngân, chúng ta nguyện noi gương đồng chí và các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ra sức học tập, lao động, công tác và chiến đấu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

ThS. Trịnh Thị Tươi

Phòng TC, HC, TT, TL

 

image advertisement
THÔNG TIN ĐÀO TẠO
Thư viện ảnh
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1