image banner
Một số giải pháp nhằm phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước tỉnh Long An hiện nay

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN ĐẢNG VIÊN

TRONG DOANH NGHIỆP NGOÀI NHÀ NƯỚC TỈNH LONG AN HIỆN NAY

    Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này vẫn đang gặp không ít những khó khăn và hạn chế ở tỉnh Long An. Để tạo chuyển biến tích cực, Ban Thường vụ tỉnh ủy phải đề ra nhiều giải pháp hơn nữa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từ đó đưa đội ngũ đảng viên trong các doanh nghiệp ngày càng tăng nhanh về số lượng, chất lượng, đi vào hoạt động nền nếp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh trong thời gian tới.

    Tỉnh Long an hiện có 17.082 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 376.228 tỷ đồng; trong đó có 12.984 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có 65 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước (gồm 21 tổ chức cơ sở đảng và 44 chi bộ trực thuộc), với 897 đảng viên trên tổng số 52.078 đảng viên chiếm 1,72% trong toàn tỉnh. Điều này cho thấy, công tác phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước hiện nay vẫn còn nhiều lý do khó khăn. Vì vậy Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần đề ra các giải pháp phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp từng bước gỡ “nút thắt” để các doanh nghiệp cởi mở hơn trong việc thành lập chi bộ Đảng và phát triển đảng viên tại đơn vị mình.

    Thời gian qua nhiều nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn về vấn đề xây dựng tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp đã được ban hành như: Quy định số 287-QĐ/TW, ngày 08-02-2010, của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước”; Quy định số 288-QĐ/TW, ngày 08-02-2010, của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, trong đó nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống”; Quy định số 15-QĐ/TW, ngày 28-8-2006, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, “Về đảng viên làm kinh tế tư nhân”, Quy định số 170-QĐ/TW, ngày 7-3-2013, của Ban Bí thư, quy định “Chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân”; Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 30-1-2013, của Ban Tổ chức Trung ương, về “Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 6-7-2018, của Ban Tổ chức Trung ương, về “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”;  Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư, về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã khẳng định: “Coi trọng công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng, chất lượng. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong công nhân trực tiếp sản xuất, trí thức và doanh nhân[1]. Tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa thực hiện Kết luận 216-KL/TU, ngày 21/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 29/11/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 122-KH/TU, ngày 20/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân và các kế hoạch của Ban Chỉ đạo tỉnhCác cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và Ban Chỉ đạo các cấp trong Tỉnh tiếp tục triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chú trọng đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đã tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong lãnh đạo, thực hiện. Việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm thường xuyên, cơ bản hoạt động ổn định và phát huy được vai trò của mình trong hoạt động chung của doanh nghiệp.

    Kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng nhưng hiện nay vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức đảng còn ít so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Việc kết nạp người lao động vào Đảng kết quả chưa cao, công tác triển khai học tập Chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đảng viên, đoàn viên công đoàn, công nhân lao động gặp nhiều khó khăn vì do điều kiện sản xuất kinh doanh. Mặt khác, người lao động trong doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập mà chưa phấn đấu trở thành đảng viên, lao động thường xuyên biến động, thay đổi chỗ làm, chỗ ở, di chuyển giữa các địa phương cũng gây trở ngại lớn cho công tác bồi dưỡng, giới thiệu, tạo nguồn cho Đảng. Đoàn viên, công nhân lao động ưu tú, có nguyện vọng và sau khi được tổ chức công đoàn giới thiệu học lớp nhận thức về Đảng cũng gặp trở ngại rất lớn do thời gian làm việc xuyên suốt, không bố trí được thời gian đi học hoặc ngại đề xuất với lãnh đạo. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách đối với công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn còn có những bất cập, chưa đủ sức giữ gìn, thu hút những người có tâm huyết và tạo động lực để quần chúng ưu tú, tích cực phấn đấu, rèn luyện để trở thành đảng viên. Thực tế ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn cho thấy chỉ có một bộ phận công nhân người lao động có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng, họ chưa nhận thấy quyền và lợi ích khi phấn đấu trở thành đảng viên.

    Việc tồn tại những hạn chế đó do nhiều nguyên nhân như vai trò lãnh đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn mờ nhạt, lúng túng trong chuẩn bị về nội dung, phương thức hoạt động, nhất là trong xây dựng mối quan hệ công tác giữa doanh nghiệp với tổ chức đảng, đoàn thể. Việc tổ chức sinh hoạt đảng ở một số chi bộ, đảng bộ có lúc, có nơi chưa thiết thực; chất lượng hoạt động của một số tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp còn thấp, chưa thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, chưa gắn kết tốt các phong trào hoạt động với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một số chủ doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, chỉ tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập, đó là, lực lượng công nhân làm việc trong môi trường có nhiều sức ép về thời gian, cường độ, nhu cầu tăng ca, việc dành thời gian tìm hiểu về các tổ chức Đảng, đoàn thể, tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và lớp đảng viên mới không dễ nếu không được giới chủ tạo điều kiện...Trình độ văn hóa của một bộ phận công nhân khó đáp ứng quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét kết nạp Đảng. Phần lớn trong số đó đến từ vùng nông thôn, khi về thành phố làm việc, thiếu nơi ở ổn định cũng gây khó cho quá trình xác minh lý lịch.

    Làm sao để phát huy vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người quản lý doanh nghiệp và người lao động chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp (nhà đầu tư) và người lao động vẫn luôn là trăn trở của nhiều cấp ủy. Với sự vào cuộc của các cấp ủy, công tác phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đã tạo ra những hiệu quả được nhìn nhận rõ. Tuy nhiên, đây vẫn luôn là một việc khó, thậm chí là rất khó. Có nhiều doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể phải hàng chục năm kiên trì theo đuổi, vận động, thuyết phục vẫn không mang lại hiệu quả. Cái khó nhất trong phát triển Đảng là tạo nguồn. Bởi người lao động đều ở độ tuổi trẻ, có trình độ khoa học kỹ thuật, nhận thức tốt; song họ làm việc trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài nên vẫn phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp. Vì vậy, nếu chủ doanh nghiệp không đồng thuận, không tạo điều kiện, rất khó để phát triển Đảng.

    Trước thực tiễn đó, việc xóa bỏ đi tư tưởng e dè, ngại vào Đảng, vì cho rằng vào Đảng phải tốn thời gian hội họp, sinh hoạt chi bộ, học tập chính trị ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của công ty, rất cần thêm những giải pháp mới, phù hợp hơn ngoài tuyên truyền, vận động. Để chủ doanh nghiệp nhận thức rõ chủ trương của Đảng và tác dụng của việc thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp.

    Giải pháp thứ nhất: tổ chức Đảng phải tạo ra sự gắn kết với các tổ chức, các bộ phận trong doanh nghiệp; có cơ chế đảm bảo thực hiện tốt các mối quan hệ, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Tổ chức Đảng và đảng viên cùng các thành viên trong bộ máy quản lý góp phần bảo đảm điều tiết hài hòa giữa 3 lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động, tạo lập mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng với Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Giám đốc, tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào có Chi bộ Đảng, công đoàn vững mạnh thì nơi đó an ninh, trật tự ổn định, sản xuất phát triển, kinh doanh bền vững. Sau khi đi vào hoạt động, tổ chức cơ sở Đảng đã là cầu nối quan trọng động viên người lao động phát huy sáng kiến, trách nhiệm để nâng cao năng suất lao động, vừa giúp doanh nghiệp phát triển, vừa tăng thu nhập. Bên cạnh đó, các địa phương cũng được hưởng lợi từ thu ngân sách, các doanh nghiệp tham gia các phong trào thi đua tốt hơn, có nhiều hoạt động thiết thực đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Sau khi có tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên thấy được vai trò của mình trong doanh nghiệp; giúp cho công việc điều hành của ban lãnh đạo, tạo ra sự kết nối, cùng nhau đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp. các doanh nghiệp có tổ chức Đảng đã tạo ra sự phát triển ổn định, người lao động gắn bó hơn. Hạn chế thấp nhất tình trạng đình công. Bản thân những người lao động sau khi trở thành đảng viên đều nhận thức rõ hơn về vai trò của mình, trở thành nòng cốt của công ty, cùng thúc đẩy hiệu quả công việc tăng lên.

    Vì vậy, đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, đoàn thể, cần tăng cường khảo sát, tiếp cận, thuyết phục, vận động để chủ doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể, trước hết là những doanh nghiệp trong nước, có nhiều lao động và sản xuất kinh doanh ổn định. Tiến hành rà soát và có kế hoạch chuyển sinh hoạt Đảng cho những đảng viên đang làm việc ở doanh nghiệp nhưng đang sinh hoạt Đảng ở địa phương về sinh hoạt tại Chi bộ cơ động để làm cơ sở tập hợp, quy tụ quần chúng lao động trong doanh nghiệp, từ đó vận động, thuyết phục, giáo dục và giới thiệu những quần chúng ưu tú cho chi bộ xem xét, kết nạp. Sau khi có đủ số lượng đảng viên và điều kiện hoạt động sẽ tiến hành thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích luôn có tính quyết định vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, tuy nhiên, với quy mô, số lượng đảng viên như một số chi bộ trong doanh nghiệp hiện nay, việc thực hiện còn hạn chế. Bên cạnh đó, nội dung, phương thức hoạt động, nhất là lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của các tổ chức Đảng chưa phù hợp điều kiện của doanh nghiệp, không thu hút được đảng viên và quần chúng tham gia, khó tạo động cơ cho quần chúng phấn đấu vào Đảng. Do đó, cần những cơ chế tạo động lực, nhất là cơ chế hỗ trợ tài chính để phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân; kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách đối với cấp ủy viên, bí thư cấp ủy hoạt động trong các loại hình kinh tế này.

    Đối với những đảng bộ cơ sở trong doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn  tỉnh, tổ chức đảng và các đoàn thể quần chúng trực thuộc nhiều cấp trên khác nhau, cần sắp xếp lại cho phù hợp, bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng đối với việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và các đoàn thể quần chúng trong doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác cụ thể, chặt chẽ giữa đảng uỷ tập đoàn, đảng uỷ tổng công ty với cấp uỷ đảng các địa phương có liên quan.

    Giải pháp thứ hai là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là các chủ doanh nghiệp, người lao động về vị trí, vai trò và tầm quan trọng, ý nghĩa và lợi ích của việc thành lập tổ chức Đảng, phát triển đảng viên và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Việc vào Đảng không chỉ là vinh dự, mà khi chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên và doanh nghiệp có tổ chức Đảng cũng sẽ tạo được vị thế, uy tín tốt với các đối tác trên thị trường, từ đó, doanh nghiệp sẽ phát triển tốt và ngày càng có uy tín.

    Từ thực tiễn cho thấy, để thành lập tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân hiệu quả hơn, một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng đó là sự đồng thuận và ủng hộ của chủ doanh nghiệp. Với quan điểm “phát triển Đảng trong các DN ngoài khu vực Nhà nước là nhiệm vụ rất khó, nhưng càng khó càng phải làm tốt, thực hiện hiệu quả hơn”, bằng tầm nhìn, cùng cách làm bài bản, khoa học, quyết liệt của cấp ủy các địa phương. Để thành lập được một chi bộ Đảng đòi hỏi các cấp ủy các nơi phải rất sâu sát, vận động tuyên truyền để doanh nghiệp thành lập chi bộ. Đơn vị có tổ chức Đảng sẽ yên tâm hoạt động trên địa bàn; được tạo điều kiện trong giải quyết thủ tục hành chính; mọi vấn đề phát sinh phải được cấp ủy cùng vào cuộc để giải quyết nhanh chóng. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương không chỉ là việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách mà còn phải đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng người lao động trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Không có sự thuyết phục nào bằng việc thực thi công vụ liêm chính, đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp về thuế, an ninh trật tự, kết nối ngân hàng để vay vốn, địa điểm sản xuất kinh doanh trên địa bàn… Bên cạnh đó, cách thức sinh hoạt chi bộ ở doanh nghiệp cũng không thể có định ngày hay nội dung như sinh hoạt tại địa phương, mà thường linh hoạt, gắn với sinh hoạt chuyên môn, không lạm vào thời gian làm việc thường ngày. Đây cũng là yếu tố quyết định để đơn vị doanh nghiệp sẵn sàng thành lập tổ chức đảng. Bởi lẽ giữa giai đoạn kinh tế khó khăn, việc tập trung duy trì sản xuất, kinh doanh cũng đủ khiến doanh nghiệp “toát mồ hôi”, bộ máy càng tinh gọn càng tốt, lấy đâu ra thời gian cho Đảng, cho đoàn thể. Vì vậy, giải pháp này với các cách để phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước bắt đầu từ thay đổi nhận thức cho chủ doanh nghiệp là hướng đi cần phải được các cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng trong điều kiện hiện nay.

    Giải pháp thứ ba các cấp ủy địa phương tập trung tạo nguồn, đề ra giải pháp hữu hiệu để chăm bồi, phát triển đảng viên mới đạt chỉ tiêu được giao. Quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là tuyên truyền về truyền thống vẽ vang của Đảng, góp phần xây dựng niềm tin của quần chúng đối với Đảng, tạo nên ý chí, động lực, tinh thần trách nhiệm và nguyện vọng của quần chúng ưu tú phấn đấu vào Đảng. Tập trung phát triển Đảng là cán bộ chủ chốt trong các phòng, ban, phân xưởng, cán bộ trí thức trẻ, công nhân giỏi, được quần chúng tín nhiệm, lãnh đạo doanh nghiệp tin tưởng, từ đó nhân rộng ra các bộ phận khác. Việc kết nạp những đối tượng này vào Đảng tuy có thể phải tiến hành công phu hơn nhưng có tác dụng nhiều mặt: làm tăng cường uy tín, năng lực lãnh đạo cho tổ chức đảng, thu hút được sự quan tâm của chủ doanh nghiệp; ảnh hưởng tích cực, rộng rãi đến công nhân. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể tổ chức nhiều phong trào hành động cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước để thu hút đông đảo đoàn viên tham gia; lấy nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát động thành phong trào thi đua của tổ chức đoàn; thông qua các phong trào có đánh giá, bình chọn, tuyên dương, khen thưởng và chăm bồi giới thiệu những quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.

    Giải pháp thứ tư là xác định việc phát triển các tổ chức cơ sở Đảng không chỉ là thành lập, kết nạp mới cho đủ chỉ tiêu, mà quan trọng là phải duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động. Để làm được điều đó, cấp ủy địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, theo dõi, bồi dưỡng từng Chi bộ đổi mới nội dung, phương thức sao cho vừa phù hợp với tình hình hoạt động các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, luôn sâu sát cơ sở, chỉ bảo về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ cấp ủy cơ sở; hướng dẫn các cấp ủy xây dựng quy chế phối hợp với ban lãnh đạo doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt những phản ánh, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.

    Tóm lại, theo Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch toàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2030 có 51 KCN với tổng diện tích là 12.433 ha. Tính đến cuối năm 2023, có 34 KCN được thành lập với tổng diện tích được quy hoạch là 9.251,6 ha; trong đó, có 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích quy hoạch là 5.982,14 ha (đất công nghiệp là 4.278 ha, đã cho thuê là 2.883,93 ha; tỷ lệ lấp đầy đạt 67,41%. Đến quý I/2024, tỷ lệ lấp đầy đạt 67,58%, diện tích đất sạch có thể cho thuê là 650,55 ha.  Vì vậy, trong tiến trình đổi mới đất nước nói chung, tỉnh Long An nói riêng ngày càng có nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế. Hằng năm tỉnh thu hút khá mạnh mẽ nguồn nguồn lao động, khoa học- kỹ thuật vào quá trình sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp phát triển mạnh, đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương và sự nghiệp xây dựng đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình vận động và phát triển bền vững luôn luôn cần có sự lãnh đạo, định hướng của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhằm phát huy những mặt tích cực, uốn nắn kịp thời những lệch lạc, hạn chế trong từng doanh nghiệp; định hướng mọi hoạt động của doanh nghiệp theo chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để làm được điều này, đội ngũ đảng viên trong các doanh nghiệp có vai hết sức quan trọng. Vì vậy, việc phát triển đảng trong công nhân các doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng và cấp bách hiện nay. Qua đây, tác giả đề xuất một số cách làm cụ thể như vậy nhằm góp phần giúp công tác phát triển Đảng tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước của Long An đi vào chiều sâu, không chỉ bảo đảm số lượng, mà chất lượng hoạt động cũng được nâng cao, thực hiện tốt vai trò hạt nhân tập hợp, tham gia tuyên truyền, vận động hiệu quả để người lao động chấp hành tốt các quy định của pháp luật./.

 

ThS. Huỳnh Thị Thu Năm

Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng



[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 186.

image advertisement
THÔNG TIN ĐÀO TẠO
Thư viện ảnh
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1