image banner
Một số vấn đề về công tác phối hợp với các cơ quan, địa phương trong quản lý, đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Long An

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CÔNG TÁC PHỐI HỢP VỚI CÁC CƠ QUAN, ĐỊA PHƯƠNG
TRONG QUẢN LÝ, ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ
Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH LONG AN

 

    Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một nội dung quan trọng của công tác cán bộ của Đảng. Mục tiêu của đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, nâng cao tầm nhìn, tư duy, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn, góp phần, nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi công vụ. Thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng sẽ bù đắp những khoảng trống về nhận thức và năng lực mà người cán bộ cần có để đáp ứng khung năng lực của vị trí công tác mà họ đảm nhận. Để hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng nâng lên ngoài triển khai thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và các quy định, quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thì công tác phối hợp giữa Trường Chính trị với các cơ quan, các địa phương phải được thực hiện một cách đồng bộ để quản lý, đánh giá học viên chặt chẽ.

    1. Những kết quả đạt được

    Hàng năm Trường Chính trị, đã phối hợp với các ban, sở, ngành, Mặt trận, đoàn thể, địa phương các cấp thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở tất cả các khâu như: Xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng theo từng loại hình, chức danh, đối tượng; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và giai đoạn; xác định thời điểm mở lớp; theo dõi đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học viên... Trên cơ sở căn cứ các quy định, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy và cơ quan có thẩm quyền khác, Trường áp dụng nguyên tắc phối hợp “đúng, đủ, rõ” (đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn, rõ nguồn quy hoạch) để đảm bảo yêu cầu của công tác cán bộ của địa phương, đơn vị. Trường đã chủ động trao đổi, phối hợp với các địa phương, đơn vị để xác định nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; hướng dẫn các đơn vị xác định, đăng ký nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; tổng hợp nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các đơn vị; xác định các chương trình cần ưu tiên và các nguồn lực thực hiện; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Trường và trình Tỉnh ủy phê duyệt hàng năm. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh, Trường đã chủ động đề xuất thay đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thực tế, trong năm 2023, Trường Chính trị đã triển khai thực hiện được 50/48 lớp với 4681lượt  học viên so với kế hoạch Thường trực Tỉnh ủy giao đạt 104,16 % cụ thể:

    -  25/23 lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị (13 lớp chuyển tiếp năm 2022; 12 lớp khai giảng năm 2023, trong đó 05 lớp tập trung và 07 lớp hệ vừa làm vừa học);

    -  21/21 lớp Bồi dưỡng khối Đảng, khối Nhà nước, đoàn thể;

    - 04/04 lớp Đào tạo cao cấp Lý luận chính trị (03 lớp chuyển tiếp năm 2022, 01 lớp khai giảng năm 2023).

    - Trường tổ chức mở thêm lớp tại các huyện với số lượng 33 lớp bồi dưỡng với 3153 lượt học viên cụ thể như: quy hoạch cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện nhiệm kỳ (2025 - 2030); Bồi dưỡng cập nhật kiến thức đối tượng 4; Bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân nhân cấp huyện, cấp xã; Bồi dưỡng cấp ủy cấp xã và nguồn cấp ủy cấp xã (Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân cho chủ trương)

    Xác định công tác phối hợp là việc làm thường xuyên nên trong quá trình tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng Trường luôn quyết liệt thực hiện tốt 2 “điểm mốc”  phối hợp quản lý học viên:  Thứ nhất, Trường luôn giữ mối liên hệ với các địa phương, đơn vị có cán bộ, đảng viên đang theo học và các cơ quan quản lý cán bộ, đảng viên, kịp thời thông báo, đề xuất, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến học viên trong quá trình học tập tại Trường. Thứ hai, Trường cũng phối hợp Ban Tổ chức tỉnh ủy, các địa phương, đơn vị để theo dõi quá trình chấp hành ý thức, tổ chức kỷ luật của học viên tại địa phương, đơn vị đó. Đặc biệt, với chương trình đào tạo Cao cấp lý luận Chính trị, Trung cấp lý luận chính trị, việc xem xét quá trình chấp hành ý thức, tổ chức kỷ luật của học viên tại địa phương, đơn vị trong quá trình tham gia học tập tại trường là điều kiện bắt buộc để xem xét đủ điều kiện thi tốt nghiệp hoặc làm khóa luận tốt nghiệp và xét tốt nghiệp. Qua đó, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi được cử đi học, ngoài việc học tập, rèn luyện tại trường theo các chương trình đã đặt ra, còn phải chú ý hoàn thành tốt nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị tùy theo từng loại hình đào tạo, và đặc biệt là về ý thức, tổ chức kỷ luật của cán bộ, đảng viên.

    2. Một số hạn chế, vướng mắc

     Đối với các lớp bồi dưỡng do chủ trương của Thường trực tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân giao nhưng các địa phương chưa xây dựng được kế hoạch phối hợp thường xuyên với Trường đôi lúc còn mang tính “mùa vụ”, chỉ thực sự quyết liệt khi có sự trao đổi của Ban tổ chức tỉnh ủy, sở Nội vụ (các lớp bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân, cấp ủy, đối tượng 4) dẫn tới đôi lúc trường gặp áp lực, khó khăn trong triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được giao trong năm. Sự phối hợp trong công tác bồi dưỡng với các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể đôi lúc thiếu chặt chẽ trong khâu chuẩn bị nội dung chương trình bồi dưỡng còn chung chung chưa đáp ứng được: khả năng thực hành, xử lý tình huống chưa được thật sự hiệu quả đáp ứng yêu cầu tình hình, nhiệm vụ mới; việc phối hợp bố trí giảng viên thỉnh giảng đảm bảo chất lượng tham gia giảng dạy ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng bồi dưỡng.

    Đối với các lớp phối hợp hiệp quản đào tạo Cao cấp lý luận chính trị và các lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị: một số địa phương, cơ quan chưa thật sự tạo điều kiện về thời gian công tác trong quá trình cán bộ, đảng viên tham gia các lớp học còn có tình trạng đề nghị cán bộ đang đi học gọi về để xử lý công việc, hội họp… gây ít nhiều khó khăn trong bố trí sắp xếp học bổ sung theo đúng quy định. Ngoài ra, trong thời gian qua hoạt động đánh giá kết quả sau đào tạo, bồi dưỡng vẫn chưa được chú trọng đúng mức; thiếu cơ chế để đánh giá kết quả sau đào tạo, bồi dưỡng; chưa có đánh giá cụ thể nào về hiệu quả của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng sau khi cán bộ, đảng viên hoàn thành các khóa học.

    3. Giải pháp trong thời gian tới

    Thứ nhất, phối hợp để xây dựng đội ngũ báo cáo viên, giảng viên tham gia giảng dạy của trường: Thường trực tỉnh ủy, Ban tổ chức tỉnh ủy quan tâm hỗ trợ lựa chọn, xây dựng đội ngũ giảng viên có tâm huyết, đủ trình độ lý luận chính trị và giàu kiến thức thực tiễn. Đề xuất Thường trực phê duyệt và ban hành văn bản chỉ đạo các đồng chí lãnh đạo, quản lý, các nhà chuyên môn có kinh nghiệm bao gồm một số đồng chí là UV BTV TU, trưởng, phó các Ban Đảng tỉnh ủy, giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh và một số lãnh đạo chủ chốt cấp huyện tham gia là lực lượng báo cáo viên, giảng viên thỉnh giảng trực tiếp giảng bài, báo cáo các chuyên đề tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng của trường. Đây là nguồn lực quý, giúp khắc phục điểm yếu của giảng viên nhà trường là thiếu kinh nghiệm và độ trãi nghiệm thực tiễn chính trị- xã hội (nguồn nhân sự này thì Trường sẽ phối hợp với Ban tổ chức tỉnh ủy tham mưu văn bản).

    Thứ hai, phối hợp để xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng: yêu cầu với các chương trình bồi dưỡng cán bộ liên tục thay đổi. Hiện nay có các bộ tài liệu cho các chức danh Mặt trận- Đoàn thể do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn và chương trình nội dung bồi dưỡng do các cơ quan phối hợp với trường biên soạn và thẩm định nên Trường đề nghị với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh cần lựa chọn nội dung bồi dưỡng cán bộ cần biên soạn: áp dụng khung bồi dưỡng do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành có tính linh hoạt giữa lý luận và thực tiễn để đảm bảo chất lượng bồi dưỡng cán bộ (năm 2023 chưa áp dụng).

    Thứ ba: phối hợp với các cơ quan có liên quan để nâng cao chất lượng quản lý và đánh giá học viên:

    - Trách nhiệm của Trường Chính trị: Công tác quản lý và đánh giá học viên với các lớp đào tạo và bồi dưỡng về phía nhà trường đã thực hiện đúng theo quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và quy chế nhà Trường. Tuy nhiên kết quả đánh giá xếp loại thậm chí đều là khá, giỏi trở lên nhưng khi trở về công tác trong đội ngũ này vẫn còn chưa phát huy được năng lực, trình độ nhận thức và vận dụng lý luận chính trị vào thực tế công việc đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Hiện nay trường chưa đủ điều kiện (về nhân lực, thời gian, điều kiện kinh phí…) đánh giá hiệu quả công việc sau đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Do vậy chỉ được tiến hành đánh giá sau đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên phạm vị hẹp, với đới tượng cụ thể khi có nhu cầu tìm hiểu phục vụ cho công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm. Trước mắt, trường chỉ khuyến khích, động viên học viên duy trì kết nối, giao lưu sau khóa học để có thể giữ mối liên lạc với nhà trường, qua đó Trường có cơ hội nắm bắt thông tin của học viên sau tốt nghiệp.

    Do đó chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chưa được nhận diện đầy đủ, toàn diện để có hướng điều chỉnh nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ hiện nay.

    Định hướng tới: Trường chủ động nghiên cứu và triển khai đánh giá chất lượng làm việc của cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng thông qua thực tiễn công tác của địa phương, cơ quan, đơn vị. Để giải pháp này triển khai được Trường phối hợp với Ban Tổ chức tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo tỉnh ủy xây dựng và đề xuất  nghiên cứu với tư cách đề tài khoa học cấp tỉnh (hoặc cũng có thể được chủ động  phối hợp với cấp ủy huyện để thực hiện trên phạm vi huyện). Điều này có tính khả thi cao vừa khắc phục khó khăn đã nêu trên của trường đồng thời giúp cấp ủy nhận diện được chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức để có hướng điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

    - Các ban, sở, ngành, mặt trận, đoàn thể: nên bố trí thời gian bồi dưỡng hướng tới cho đi thực tế trao đổi giữa các địa phương trong tỉnh với nhau (hiện tại chỉ áp dụng bồi dưỡng trên hội trường). Lựa chọn các báo cáo viên là lãnh đạo có kinh nghiệm thực tiễn hoặc các chuyên gia của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín chuyên môn thỉnh giảng cho lớp nhằm thu hút người học và đảm bảo chất lượng giảng dạy. 

    - Cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý cán bộ cử đi học cần phối hợp nhịp nhàng với Trường để quản lý và đánh giá học viên:

    - Cần tạo tối đa về thời gian để học viên tham gia học đầy đủ theo quy định kế hoạch tổ chức lớp để học viên thuận lợi trong tiếp thu kiến thức bài học và an tâm tham gia học đầy đủ.

    - Cần lấy kết quả học tập và rèn luyện của học viên để đưa vào một trong các tiêu chí về chuyên môn để đánh giá cán bộ trong hàng tháng, 6 tháng, 1 năm để người học quan tâm hơn về động cơ học về làm việc. Đồng thời cần phản hồi kết quả đánh giá hiệu quả làm việc của cán bộ (đối với cán bộ vừa làm vừa học) để cho trường xem xét nâng cao chất lượng quản lý dạy và học của học viên.

    - Cần tiến hành tổ chức đánh giá ít nhất sau 2 năm kể từ thời điểm học viên tốt nghiệp. Phải xây dựng cụ thể các tiêu chí đánh giá như: phân loại cuối năm, số lượng được quy hoạch, điều động, luân chuyển, giao nhiệm vụ cao hơn…Giữa nhiệm kỳ, từ cấp ủy cấp huyện trở lên có báo cáo tổng hợp về công tác cán bộ nên cung cấp cho Trường thông tin này để tham khảo mức độ chất lượng… để Trường có thể điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình bồi dưỡng, về phương pháp giảng dạy…Đồng thời gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách thống nhất, có chiến lược và quy trình cụ thể tránh trường hợp phân công trái chuyên môn, không phát huy sở trường, trình độ thì khó đánh giá được chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

    Tóm lại, hiệu quả của công tác phối hợp trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ các cấp, theo đó hệ thống chính trị các cấp sẽ từng bước được củng cố vững chắc. Hy vọng trong thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh sẽ tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong công tác phối hợp các cơ quan và địa phương, không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng của tỉnh và khu vực phía Nam./.

Ths. Huỳnh Thị Thu Năm
TUV, Hiệu trưởng

image advertisement
THÔNG TIN ĐÀO TẠO
Thư viện ảnh
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1