image banner
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước của dân tộc Việt Nam
07/02/2023
 

SỰ RA ĐỜI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM NGÀY 3-2-1930
CHẤM DỨT CUỘC KHỦNG HOẢNG VỀ ĐƯỜNG LỐI CỨU NƯỚC
CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

       Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay tròn 93 năm, Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức, rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi gian khổ, chông  gai, thử thách, giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, viết nên những trang sử vẻ vang của Đảng và của dân tộc Việt Nam.

       Nhìn lại lịch sử, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp về cơ bản đã áp đặt xong chế độ thống trị trên đất nước ta, biến nước ta từ một nước phong kiến độc lập thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Kế thừa truyền thống yêu nước, bất khuất kiên cường chống giặc ngoại xâm, các phong trào yêu nước chống Pháp của các sĩ phu yêu nước ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX diễn ra hết sức sôi nổi và liên tục, nhưng tất cả đều thất bại (phong trào Cần Vương; phong trào nông dân của Hoàng Hoa Thám - Yên Thế; phong trào Đông Du của Phan Bội Châu; …). Có thể thấy, các phong trào đó đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần yêu nước, giải phóng dân tộc của nhân dân ta, song do thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, chưa tập hợp và phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, thiếu một phương pháp đấu tranh thích hợp và nhất là chưa có được một tổ chức lãnh đạo đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

       Giữa lúc phong trào yêu nước Việt Nam đang bế tắc về con đường giải phóng dân tộc, "đất nước mò mẫm không có đường ra", vượt qua tầm nhìn hạn chế của những người yêu nước đương thời, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành người cộng sản năm 1920, đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn gắn liền giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người trên nền tảng hệ tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Sau khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và những tư tưởng mới của Người vào trong nước, chuẩn bị những tiền đề về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 03/02/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX.

       Xuất phát từ việc phân tích thực trạng và mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam, một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến, Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng xác định mục tiêu chiến lược "tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng đi tới xã hội cộng sản"[1]. Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nhằm đi tới mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, và giải phóng con người. Để đánh đổ đế quốc và tay sai giành độc lập dân tộc, ngoài lực lượng cơ bản là công nhân, nông dân, Cương lĩnh chủ trương đoàn kết tất cả các giai cấp, các lực lượng tiến bộ yêu nước, trên cơ sở đánh giá đúng thái độ các giai cấp phù hợp với đặc điểm xã hội Việt Nam. Cương lĩnh nêu rõ, cách mạng Việt Nam liên lạc mật thiết và là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Cương lĩnh khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng với tư cách là đội tiên phong của giai cấp vô sản, Sách lược vắn tắt của Đảng ghi rõ: "Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng"[2].

       Với tất cả những vấn đề đó đã giúp Đảng lãnh đạo nhân dân giành được những thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã xoá bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và cuộc sống của chính mình. Tiếp đó, Đảng lãnh đạo thắng lợi các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

       Trong công cuộc đổi mới toàn diện của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo từ năm 1986 đến nay, đã trải qua hơn 35 năm và thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, là một kỳ tích của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Đất nước ta vượt qua khủng hoảng kinh tế đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng trong thời kỳ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Văn hóa - xã hội có bước phát triển, công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những thành tựu quan trọng, sớm đạt được nhiều chỉ tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, được quốc tế đánh giá cao. Diện mạo đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường và giữ vững. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, đến năm 2020, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thuộc tất cả các châu lục. Ðại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Những thành tựu hơn 35 năm qua thực hiện đường lối đổi mới đất nước đã tạo đà cho sự phát triển trong những năm tiếp theo; đồng thời cũng là minh chứng sinh động khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta. Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đại hội lần thứ XIII của Đảng (2021) xác định: Phấn đấu đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

       Trước thực tiễn và yêu cầu phát triển đất nước tình hình mới, đòi hỏi Đảng và nhân dân ta phải luôn kiên định công cuộc đổi mới đất nước và mục tiêu đã xác định, đưa đất nước phát triển tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đóng góp tích cực cho cuộc sống hòa bình, phồn vinh, tự do và hạnh phúc của nhân loại. Để đạt được điều đó, đòi hỏi toàn Đảng phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII; thực hiện có hiệu quả và thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII (2021); tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, "tự diễn biến", tự chuyển hóa" trong nội bộ". Các tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, cán bộ của Đảng phải là công bộc của dân, quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tích cực làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

       Đặc biệt hiện nay, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

       Tóm lại, kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/2023, Đảng ta vừa tròn 93 mùa xuân. Đây là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, của đất nước và toàn thể nhân dân ta, trên con đường phát triển của thời kỳ mới; là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực. Là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhân lên niềm tự hào về một Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí cả những thử thách tưởng chừng khó vượt qua, Đảng vẫn luôn là người cầm lái kiên định, sáng suốt để lãnh đạo đất nước phát triển tới ngày hôm nay./.

ThS. Trịnh Thị Tươi

Khoa Xây dựng Đảng

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.3, tr.1.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1998, t.2, tr.4.

image advertisement
THÔNG TIN ĐÀO TẠO
Thư viện ảnh
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1